Ngày 04/5/2017, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035. Căn cứ vào nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, UBND thành phố đã tổ chức lập đồ án quy hoạch.
Để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về quy hoạch chung TP. Vũng Tàu đến năm 2035. Kế hoạch, một tháng sau khi lấy ý kiến nhân dân sẽ tổ chức thông qua HĐND thành phố và báo cáo tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2018.
Quy hoạch chung lần này được lập trên toàn bộ phạm vi, ranh giới diện tích tự nhiên (gồm bán đảo Vũng Tàu, đảo Long Sơn và đảo Gò Găng), có tổng diện tích khoảng 15.000ha, và quy mô dân số chính thức khoảng 650.000 người (khả năng đáp ứng 700.000 – 800.000 người).
Trong đó, phân khu Bắc Vũng Tàu và Nam Vũng Tàu được quy hoạch có quy mô khoảng 3.257ha, dân số từ 350.000 - 380.000 người; bao gồm các phường từ 1 – 12, Nguyễn An Ninh, Rạch Dừa, Thắng Tam, Thắng Nhì, Thắng Nhất.
Định hướng phát triển khu vực này là đô thị lõi, trung tâm cũ có các yếu tố cảnh quan đô thị đặc thù về văn hóa và giá trị kiến trúc quy hoạch đô thị, công trình hỗn hợp, đô thị đa chức năng với các chức năng hành chính, thương mại – dịch vụ và du lịch, trung tâm chuyên ngành, thể dục thể thao, công nghiệp.
Phân khu đô thị sinh thái đặc trưng Bắc Phước Thắng và phân khu du lịch Chí Linh – Cửa Lấp có quy mô khoảng 3.100ha, dân số 60.000 - 70.000 người, thuộc các phường 10, 11, 12 và có định hướng phát triển là đô thị cửa ngõ, sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn, khu bảo tồn cảnh quan rừng ngập mặn, vành đai xanh, có mật độ xây dựng thấp với các loại hình ở hỗn hợp hiện đại, thương mại dịch vụ - dịch vụ, giải trí cao cấp, mô hình ở sinh thái, ở trang trại, resort, du lịch hỗn hợp, sinh thái biển.
Trong này có phân khu trung tâm tài chính – kinh tế (khu sân bay di dời), quy mô khoảng 186ha, dân số khoảng 5.000 - 10.000 người, sẽ là trung tâm thương mại tài chính – kinh tế của thành phố, có tầm ảnh hưởng quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, phân khu giải trí Vũng Tàu – Paradise có quy mô khoảng 220ha, là khu vui chơi giải trí, đô thị du lịch.
Bên cạnh đó có phân khu chức năng Sao Mai – Bến Đình, quy mô khoảng 300ha, cho khoảng 5.000 người; tạo quỹ đất phát triển dài hạn cho khu vực công nghiệp – cảng Sao Mai – Bến Đình và kết nối chức năng logistic – cảng công nghiệp – dân cư khu công nghiệp và cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu Bến Đình.
Phân khu Bãi Sau, phân khu công viên Văn hóa – đô thị Bàu Trũng có quy mô 333,6ha, dân số khoảng 50.000 - 63.000 người, sẽ là một trung tâm du lịch phát triển của thành phố, kết hợp dân cư hiện hữu phát triển du lịch, các khu nghỉ dưỡng kết hợp các không gian thương mại, dịch vụ và được liên kết bởi các không gian xanh, công viên công cộng hỗn hợp, với hồ Bàu Trũng đóng vai trò là hồ điều hòa, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan; khu nhà ở hiện trạng cải tạo chỉnh trang và khu ở tái định cư tại chỗ kết hợp đô thị mới được đầu tư hiện đại.
Núi Lớn – Núi Nhỏ được quy hoạch thành khu du lịch văn hóa sinh thái, có quy mô khoảng 784ha, dân số khoảng 28.000 người; có các khu du lịch dịch vụ, công viên rừng kết hợp khu dân cư hiện hữu cải tạo, chỉnh trang và xây mới.
Đặc biệt, 2 đảo Gò Găng và Long Sơn là phân khu đô thị trung tâm dịch vụ tổng hợp có quy mô 5.400ha, dân số từ 70.000 – 90.000 người, sẽ thành trung tâm chế biến dầu khí, hóa dầu và các công nghiệp phụ trợ hóa dầu, logistic; đô thị thương mại, dịch vụ tổng hợp cao cấp đa ngành; khu ở mật độ thấp, khu dịch vụ ở cao cấp gắn liền với hệ thống mặt nước, cây xanh sinh thái.
Theo nhiều nhà đầu tư, bằng những bước đi mạnh mẽ trên cho thấy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang chuẩn bị sẵn quỹ đất dành cho các dự án bất động sản, nhất là dự án lớn. Thời gian qua, tỉnh này cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư địa ốc, khi trở thành tâm điểm của tam giác phát triển TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin thêm, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện thu hồi đối với các dự án du lịch (dự kiến 7 dự án) mà nhà đầu tư không tập trung nguồn lực thực hiện, kéo dài trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; các dự án đã được gia hạn thời gian thực hiện nhưng nhà đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai dự án....
Theo kế hoạch, những dự án sau khi thu hồi sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới có đủ năng lực, do đó, các nhà đầu tư không lo thiếu quỹ đất. Song song đó, dự kiến, trong giai đoạn 2018 - 2019, tỉnh này sẽ tổ chức đấu giá hàng chục trụ sở cũ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nằm dọc trục đường ven biển để chọn lựa nhà đầu tư phát triển dự án du lịch - nghỉ dưỡng.
Theo đó, phần diện tích quỹ đất công trên địa bàn tỉnh sẽ được khai thác theo hình thức đấu giá, gồm quỹ đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý với hơn 1.071 ha và quỹ đất công do cấp huyện quản lý là hơn 228 ha. Ngay trong năm nay sẽ đấu giá 17 khu đất với tổng diện tích 98,31 ha; năm 2019 đấu giá 7 khu với tổng diện tích 127,24 ha và năm 2020 sẽ đấu giá 8 khu đất với 215,49 ha.
Nắm bắt cơ hội, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực địa ốc đã nhanh chân đến Vũng Tàu để tìm hiểu đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn Địa ốc NoVa (NVL) về Dự án Khu đô thị phức hợp trục đường 3/2 thuộc phường 10 và 11, TP. Vũng Tàu. Dự án có diện tích khoảng 99,5 ha, gồm 3 phân khu chức năng là: cây xanh cảnh quan, đất ở, khu dịch vụ du lịch.
Ngoài Nova, từ đầu năm 2018, TP. Vũng Tàu đã có nhiều doanh nghiệp lớn "nhòm ngó" như Tập đoàn Tuần Châu đề xuất siêu dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400 ha; Công ty CP Bất động sản Tiến Phước cũng báo cáo ý tưởng quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Cỏ May thuộc địa bàn phường Phước Trung, TP. Bà Rịa với diện tích 149 ha với tổng mức đầu tư trên 8.939 tỷ đồng.
Hay như Tập đoàn W.C.G Worldwide Holdings Inc (Anh quốc), đã thể hiện mong muốn đầu tư một khách sạn 7 sao, villas, sân golf... nằm trên tuyến ven biển thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc, trên diện tích đất khoảng 400 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ bảng Anh.
Đặc biệt, theo tìm hiểu, nhiều nhà đầu tư địa ốc trong và ngoài nước cũng đang chọn nơi này để phát triển sản phẩm condotel (căn hộ khách sạn). Điển hình như Hưng Thịnh ngoài 1 dự án chuẩn bị bàn giao, sẽ tiếp tục đầu tư 4 dự án mới trong vài năm tới; DIC Corp., có tham vọng phát triển hàng nghìn căn condotel ở Bãi Trước và Bãi Sau TP. Vũng Tàu; Tập đoàn Deawoo đang bắt tay với TDH để làm dự án condotel tại Long Hải; một công ty địa ốc mới nổi là Beegreen cũng vừa tiết lộ sẽ tung ra thị trường hơn 600 căn condotel tại Long Hải...
Theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay, xu hướng du lịch đơn thuần đang dần được thay thế bởi du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, các dự án BĐS kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là phân khúc thị trường được các nhà đầu tư và khách hàng quan tâm trong thời gian tới.