Thông tin trên được rút ra từ khảo sát nhanh về tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 với sự tham gia từ 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và báo điện tử VnExpress thực hiện từ 12/8 đến 22/8.
HƠN 1/3 DOANH NGHIỆP ĐÓNG CỬA TẠM THỜI DO ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG
Trong số 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia khảo sát, có tới 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và 15% còn lại đã giải thể.
Lý do khiến doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch bùng phát
Số phải dừng kinh doanh do dịch tập trung phần lớn tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai với tỷ lệ đều trên 71%. Đây cũng là những tỉnh, thành phố có số ca mắc COVID-19 rất cao hiện nay và thực hiện việc giãn cách xã hội kéo dài.
Trong số 14.890 doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch có tới 35,4% doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước; 32,4% là diện tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ hết đợt dịch bùng phát; 21,3% là do không đáp ứng các yêu cầu phòng dịch...
45% doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa không ước tính được phải tạm đóng trong thời gian bao lâu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp hiện khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên liệu hay các kế hoạch khác dù trong ngắn hạn.
Trong khi đó, số doanh nghiệp dự kiến đóng cửa 1-3 tháng khoảng 28,5%, số cho biết phải đóng cửa đến nửa năm khoảng 2,5%, còn lại là những doanh nghiệp sẽ phải "ngủ đông" 3-6 tháng.
Dự kiến khoảng thời gian tạm thời đóng cửa
Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành dịch vụ và nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể cao nhất (đều khoảng 17%), kế đến là xây dựng, công nghiệp với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 13% và 10%.
Dịch vụ là ngành có tỷ lệ lao động mất việc cao, trên 50%. Trong đó, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ còn 4% duy trì hoạt động từ tháng 5 đến nay do dịch lan rộng buộc nhiều địa phương giãn cách xã hội, các khách sạn, nhà hàng tiếp tục đóng băng.
PHẦN LỚN DOANH NGHIỆP CHỈ CÒN TIỀN "SỐNG" DƯỚI 3 THÁNG
Dòng tiền được ví như "máu" của doanh nghiệp, nhưng kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp "tạm ngừng hoạt động do dịch" chỉ còn dòng tiền giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động "ít hơn 1 tháng" chiếm gần 40%. Tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với doanh nghiệp đang cố duy trì hoạt động.
Khảo sát cũng chỉ ra, hộ kinh doanh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, với 45% cho biết có dòng tiền duy trì dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty từ nhân, công ty TNHH, cổ phần là 39,5%; doanh nghiệp Nhà nước 30%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 23,5%. Điều này cho thấy nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao.
Tỷ lệ doanh nghiệp còn tiền để "sống" trong 1-3 tháng khoảng 46%. Tuy nhiên, nếu nhóm doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động do dịch lại chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện giãn cách thì xác suất các doanh nghiệp này rơi vào nhóm giải thể là cũng rất cao vì không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức.
Dòng tiền của doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động trong khoảng thời gian dự kiến (%)
Do đó, Ban IV cho rằng, tháng 9/2021 là thời điểm có tính chất quyết định để cứu nguy cho hai nhóm doanh nghiệp trên thông qua hỗ trợ từ chính quyền hoặc tự lực của doanh nghiệp.
Để giải quyết khó khăn về dòng tiền bị thiếu hụt, cả doanh nghiệp "tạm ngừng hoạt động do dịch" và doanh nghiệp đang "duy trì sản xuất kinh doanh" đại đa số đều chủ động chọn giải pháp "giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất". Tỷ lệ các doanh nghiệp chọn cách thức này tương đồng ở cả hai nhóm doanh nghiệp là khoảng 64%.
Thiếu tiền buộc doanh nghiệp phải tìm nguồn bên ngoài, chủ yếu là đi vay từ ngân hàng thương mại. Tỷ lệ các doanh nghiệp "tạm ngừng hoạt động do dịch" tiếp cận nguồn vay từ các ngân hàng thương mại là khoảng 30%.
Nguồn vay thứ hai đó là từ tổ chức tài chính vi mô hoặc cá nhân, với hơn 22% doanh nghiệp "tạm ngừng hoạt động do dịch" tiếp cận nguồn vay này.
Ngoài ra, nguồn vay thứ ba là "vay gói hỗ trợ của nhà nước" để giải quyết khó khăn, với tỷ lệ hơn 17%.
VAY LÃI SUẤT THẤP ĐỂ TRẢ LƯƠNG LÀ HỖ TRỢ THIẾT THỰC NHẤT LÚC NÀY
Trong số các chính sách hỗ trợ được đưa ra khảo sát, có tới 62% doanh nghiệp "tạm ngừng hoạt động do dịch" chọn chính sách hỗ trợ cho vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương. Đây là chính sách quan trọng giúp doanh nghiệp bớt khó khăn.
Giải pháp này được nhiều doanh nghiệp lựa chọn bởi trong bối cảnh tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải tìm cách giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, bởi chi phí tuyển dụng lại là rất cao đặc biệt đối với các nhóm nhân sự quản lý, nhân sự chuyên môn kỹ thuật sâu.
55% doanh nghiệp đang "duy trì sản xuất kinh doanh" cũng là lựa chọn giải pháp này. Đây là nhóm doanh nghiệp đang chịu rất nhiều áp lực và chịu nhiều khoản chi phí phát sinh đối với người lao động không chỉ tiền chi lương, bảo hiểm, nhằm duy trì một phần hoạt động, đặc biệt các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất hàng xuất khẩu, nhằm để giữ thị trường, giữ khách hàng, không bị phạt hợp đồng. Bình quân doanh nghiệp duy trì "3 tại chỗ" phải trả thêm khoảng 9,3 triệu đồng một tháng cho mỗi nhân viên, tức là chi phí cho lao động tăng gấp đôi.
Trong khi đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là giải pháp được doanh nghiệp duy trì hoạt động lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ 65%. Tương tự có 60% doanh nghiệp phải tạm đóng cửa vì COVID-19 cũng lựa chọn giải pháp này.
Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước được doanh nghiệp cho là sẽ hiệu quả
Chính sách hỗ trợ được doanh nghiệp trong cả 2 nhóm lựa chọn nhiều thứ ba là giảm chi phí điện, nước, nhiêu liệu cho hoạt động kinh doanh. Có 54% doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch và 50% doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh cho đây là cách Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và nhanh nhất, ít bị cản trở bởi các điều kiện khác về sửa đổi luật, hay các điều kiện hành chính đi kèm với các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ trong thời gian qua.
Chính sách được nhiều doanh nghiệp cả hai nhóm lựa chọn nhiều thứ tư là giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Mặc dù VAT là thuế gián thu, không phải thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp vẫn mong được giảm loại thuế này để hạ giá thành hàng hóa, tăng cạnh tranh và sức cầu hàng hoá của người dân, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp cũng muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống thấp hơn.
Khi tỷ lệ đóng góp này giảm thì góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời có thể tạo một hướng mới cho doanh nghiệp là dùng tỷ lệ giảm đóng bảo hiểm bắt buộc để có thể đóng góp bảo hiểm tự nguyện cho người lao động, một cách thức góp phần giữ chân người lao động.
Ngoài 5 chính sách được lựa chọn nhiều nhất thì có gần 30% các doanh nghiệp cho là chính sách "hoãn đóng bảo hiểm xã hội từ 3-6 tháng" hoặc "giảm thuế thu nhập cá nhân" cũng là những chính sách hiệu quả.
Để duy trì đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt. Bởi nếu bị mất thị trường, mất khách hàng thì doanh nghiệp khó phục hồi sau dịch.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn (như mô hình vùng xanh kinh tế) để họ chủ động lựa chọn, áp dụng trong bối cảnh việc duy trì mô hình 3 tại chỗ kéo dài hiện quá tốn kém.
Về công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp cho rằng, cần có sự phân loại theo quy mô doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp giãn cách phù hợp; có cơ chế cho phép doanh nghiệp có thể chủ động xét nghiệm cho người lao động.
Với chiến lược vắc xin, doanh nghiệp muốn nhà chức trách có chính sách phù hợp cho những người đã tiêm 2 mũi vắc xin được trở lại làm việc; chuẩn bị, xác định phương án sống chung với dịch bệnh sau tiêm vắc xin đạt miễn dịch cộng đồng 70%.