“Nhiều doanh nghiệp Na Uy muốn đầu tư vào thuỷ sản, năng lượng Việt Nam”

03/07/2019 11:34
Đại sứ Na Uy Grete Løchen mong hiệp định thương mại của Khối EFTA với Việt Nam sớm đạt cái kết có hậu như hiệp định EVFTA vừa được ký kết...

Theo Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Løchen, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Na Uy đang quan tâm đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực thuỷ sản và năng lượng tái tạo. 

Trao đổi với VnEconomy, Đại sứ Grete Løchen chia sẻ về Chiến lược Đại Dương của Na Uy cùng kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi cho chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, cũng như những động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Na Uy. 

Tương lai phụ thuộc vào các "đại dương sạch"

Na Uy là cường quốc biển. Bà có thể chia sẻ gì về Chiến lược Đại Dương mới của Na Uy và theo bà, Việt Nam có thể học hỏi gì từ đó?

Đại dương chiếm một vị trí quan trọng trong các chính sách đối nội và đối ngoại của Na Uy. So với diện tích đất liền, đại dương của Na Uy lớn hơn gấp 7 lần. Chỉ riêng 3 ngành công nghiệp biển như dầu khí, thủy sản và hàng hải chiếm 70% tổng thu nhập từ xuất khẩu của chúng tôi. Na Uy là một trong những quốc gia sản xuất dầu khí lớn bậc nhất thế giới. Chúng tôi cũng là một trong những quốc gia đi biển lớn nhất và tiên tiến nhất toàn cầu, cũng là nước xuất khẩu thủy hải sản lớn thứ hai thế giới.

Đầu tháng 6 vừa qua, Chính phủ Na Uy công bố bản cập nhật Chiến lược Đại dương quốc gia "Những cơ hội xanh", với trọng tâm mới là nền kinh tế xanh bền vững. Trải qua nhiều thế kỷ, đại dương đã và vẫn đang có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Na Uy. Nhưng hiện nay, đại dương đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó có ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và khai thác quá mức nguồn lợi biển.

Chính vì vậy, bản Chiến lược Đại dương của chúng tôi đã được sửa đổi để đặt ra các vấn đề thách thức này, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì cam kết của Na Uy trong việc phát triển các ngành công nghiệp gắn liền với biển.

Chiến lược dựa trên 3 trụ cột chính là xây dựng một khung pháp lý mạnh mẽ gồm các quy định hiệu quả, có tính dự đoán và dựa trên tri thức để quản lý các ngành công nghiệp biển của Na Uy; phát triển tri thức và công nghệ trong các ngành này thông qua nghiên cứu, đổi mới, giáo dục và tăng cường năng lực; và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách hỗ trợ cải cách tiếp cận thị trường, quốc tế hóa, và định hình các ngành công nghiệp đại dương.

Đều là các quốc gia biển, Na Uy và Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết tương lai của chúng ta phụ thuộc vào các đại dương sạch và khỏe mạnh, hoạt động khai thác và bảo vệ đại dương phải đi liền với nhau. Bảo vệ đại dương cho các thế hệ mai sau là vấn đề có tính cấp bách toàn cầu và là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta.

Tháng 10 năm nay, Na Uy sẽ chủ trì Hội nghị Đại dương của Chúng ta tại Oslo. Hội nghị này sẽ quy tụ các lãnh đạo đến từ nhiều quốc gia, doanh nghiệp, xã hội dân sự và các viện nghiên cứu để chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra giải pháp và cam kết hành động vì các đại dương sạch, mạnh khỏe và hữu ích. Tôi rất vui mừng được biết, Việt Nam sẽ cử đại diện tham gia Hội nghị này. Chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ nhau và cùng nhau hành động để bảo vệ đại dương.

Hiện tại, Việt Nam đang bị Uỷ ban châu Âu (EC) gắn thẻ vàng thuỷ sản. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong việc chống khai thác trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) và lời khuyên dành cho Việt Nam?

Chiến lược Đại dương của chúng tôi coi IUU là một trong những vấn đề có tính toàn cầu mà ngành thủy sản toàn thế giới phải đối mặt. Chống lại nạn IUU là một ưu tiêu quan trọng trong hoạt động quản lý thủy sản của Na Uy cũng như trong các chương trình hợp tác quốc tế và ngoại giao đại dương.

Chúng tôi chú trọng tới các thông lệ đánh bắt bền vững, ví dụ, không đánh bắt cá nhỏ và quá gần bờ. Sản lượng đánh bắt ngoài khơi của chúng tôi thường chiếm 2/3 tổng sản lượng đánh bắt của Na Uy.

Theo kinh nghiệm của Na Uy, tính bền vững phụ thuộc vào khả năng của Chính phủ duy trì một cơ chế quản lý có sự tham gia hiệu quả của các cơ quan nhà nước và các bên liên quan. Cơ chế đó phải bao gồm những yếu tố thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tăng cường kiểm soát đánh bắt, và thực thi hiệu quả các quy định thủy sản kể cả ngoài khơi, trên đất liền cũng như trong xuất khẩu.

Na Uy đã thực hiện những biện pháp tổng thể nhằm tăng cường quản lý các hoạt động đánh bắt kể cả ngoài khơi và khi cập cảng. Ở một mức độ lớn, IUU là vấn đề có tính xuyên quốc gia và chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác quốc tế. Rất may, chúng ta có một công cụ vô cùng quan trọng để các chính phủ và cơ quan hoạch định chính sách cùng nỗ lực giải quyết nguy cơ này - đó là Hiệp định của Liên Hợp Quốc về các biện pháp dành cho những quốc gia có cảng, đến nay đã có 86 nước tham gia. Theo Hiệp định này, các sản phẩm đánh bắt trái phép không được phép nhập cảng. 

Hợp tác hiệu quả với các quốc gia láng giềng cũng là một biện pháp mà Na Uy áp dụng nhằm kiểm soát hoạt động đánh bắt tại các vùng biển chung và thực thi các biện pháp chống IUU. 

Mong cái kết có hậu cho hiệp định của Khối EFTA với Việt Nam

Hiện nay, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Na Uy còn khá khiêm tốn trong khi hai nước có quan hệ chính trị rất tốt trong nhiều thập kỷ. Theo bà, chính phủ cũng như doanh nghiệp hai bên cần có những hành động cụ thể nào để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư?

Hơn 40 doanh nghiệp Na Uy đã hiện diện ở Việt Nam. Khoảng 461 triệu USD đã được Quỹ Hưu trí của Na Uy đầu tư vào nhiều công ty Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều cơ hội để hai nước chúng ta tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, đặc biệt trong những lĩnh vực thế mạnh như nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Nhiều công ty Na Uy đang quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực này ở Việt Nam. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Na Uy vào cuối tháng 5 vừa rồi, Tập đoàn Scatec Solar của Na Uy đã ký thoả thuận đầu tư 500 triệu USD vào dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Để hợp tác thành công, điều quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta phải hiểu văn hóa kinh doanh của nhau. Na Uy là nước nhỏ và các doanh nghiệp của chúng tôi vốn đã rất quen với các thị trường Âu, Mỹ, Đông Bắc Á cũng như và các chuẩn mực cao của những thị trường này.

Doanh nghiệp chúng tôi đưa ra các quyết định kinh doanh rất thận trọng dựa trên các chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, một khung pháp luật minh bạch và dễ dự đoán cũng là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp của chúng tôi tính tới khi đưa ra quyết định.

Các nước trong Khối Mậu dịch Tự do Châu Âu (EFTA) gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Lichtenstein và Iceland đã và đang tiến hành đàm phán hiệp định tự do thương mại với Việt Nam từ năm 2012, trong đó Na Uy là nước điều phối. Việc sớm hoàn tất quá trình đàm phán sẽ là cơ sở để tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và khối EFTA trong đó có Na Uy.

Nhân đây, tôi xin gửi lời chúc mừng tới Việt Nam nhân dịp ký kết hiệp định tự do thương mại với Cộng đồng Châu Âu EU (EVFTA). Chúng tôi cũng rất mong một cái kết có hậu như vậy cho hiệp định thương mại của Khối EFTA với Việt Nam.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
2 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
45 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
32 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
57 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
49 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Volkswagen hỗ trợ 100% phí trước bạ cho Tiguan và Touareg duy nhất trong tháng 11
12/11/2024 08:00
Cơ hội cuối cùng trong năm để khách hàng được nhận ưu đãi 100% phí trước bạ từ các dòng xe nhập khẩu đến từ thương hiệu Đức.
[Trên Ghế 32] ‘Thay đổi gây tranh cãi nhưng Toyota Camry vẫn làm chủ cuộc chơi phân khúc sedan D tại Việt Nam’
27/10/2024 08:32
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng, Toyota Camry dù có thiết kế trẻ trung hơn nhưng vẫn sẽ được các khách hàng trung thành lựa chọn vì những giá trị mà các đối thủ khác không có.
VinFast chính thức mở bán VF 7 tại Philippines, giá bán từ 644 triệu đồng
25/10/2024 02:52
VinFast VF 7 chính thức mở bán và nhận đặt cọc tại Philippines.
Đột kích kho hàng của hot Tiktoker nổi tiếng, thu giữ hơn 10 ngàn chai nước hoa nhập lậu: ZENPALI kinh doanh ra sao?
04/10/2024 09:46
Trên website của công ty, Zenpali giới thiệu là công ty hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.