Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có không ít doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn này, mới đây Bộ Tài chính vừa có tờ trình trình Chính phủ đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp và nhiều chuyên gia kinh tế ở TP HCM ủng hộ.
TP HCM có hơn 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhỏ có số lao động tham gia BHXH bình quân năm từ 50 người đến không quá 100 người, doanh thu 1 năm từ 50 tỷ đồng đến không quá 100 tỷ đồng; doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người, doanh thu từ 3 tỷ đồng đến không quá 10 tỷ đồng/năm.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc giải thể. Công ty Hải Đảo Food, ở quận Tân Phú, chuyên cung cấp hải sản, mỗi năm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 140 triệu đồng. Vừa qua, ảnh hưởng dịch bệnh, việc kinh doanh của doanh nghiệp cũng khó khăn.
Ông Dương Thanh Đảo, Giám đốc Công ty Hải đảo Food
Ông Dương Thanh Đảo, Giám đốc Công ty Hải Đảo Food cho rằng, đề xuất giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thời điểm này là rất kịp thời và thiết thực. Doanh nghiệp có thêm vốn để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Đảo: "Đề xuất này nếu được thông qua thì sẽ đi vào đời sống, nhịp thở cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như chúng tôi. Giúp cho doanh nghiệp siêu nhỏ đang thiếu vốn, vốn eo hẹp, giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyên tâm hơn vào sản xuất, kinh doanh khôi phục nhanh thị trường sau dịch bệnh Covid-19".
Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở TP HCM mong chờ chính sách này. Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua thì các cơ quan thuế cũng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để doanh nghiệp được hưởng chính sách này.
"Về thủ tục, các cơ quan thuế phải hướng dẫn cho các doanh nghiệp rất kỹ, đừng để doanh nghiệp kê khai sai rồi phạt về kê khai thuế sai, phạt luỹ tiến nữa càng phức tạp. Doanh nghiệp muốn quy định thủ tục này càng đơn giản càng tốt và cần hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp kê khai cho đúng để được hưởng chính sách" - luật sư Phạm Ngọc Hưng cho biết.
Theo một số chuyên gia về lĩnh vực thuế thì hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất khó khăn nên chính sách hỗ trợ về thuế cần dài hơi hơn, mức giảm thuế cao hơn.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM trao đổi với báo chí. |
|
Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Công ty Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng: “Chúng ta nên có chính sách hỗ trợ dài hơi hơn, nếu chỉ giảm 30% thì chỉ hỗ trợ 1 phần. Chúng ta có thể giảm 50% miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ tốt hơn. Trong tương lai, chúng ta cần mở rộng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp này xuống còn 10-15% hoặc 15-17% thì phù hợp với Luật Doanh Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp siêu nhỏ".
Còn theo một số chuyên gia kinh tế thì việc giảm thuế này chỉ giảm bớt một phần khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Quan trọng hơn là Chính phủ cần có thêm chính sách kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng: "Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, nhà nước hỗ trợ người nghèo một số tiền, hỗ trợ cho công nhân... việc hỗ trợ này chính là hỗ trợ cho thị trường, đó là hỗ trợ thiết thực nhất. Khi hỗ trợ thị trường thì doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ có khách hàng để bán hàng, có thị trường, khi đó doanh nghiệp có doanh thu và tiền trả nợ. Hỗ trợ về thị trường là hỗ trợ toàn vẹn nhất"./.