Trong số các doanh nghiệp trên sàn điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2022, đáng chú ý phải kể đến Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam – Petrolimex (PLX). Tập đoàn này cho biết trong bối cảnh nguồn cung và giá dầu thế giới thời điểm cuối năm biến động bất thường, gây ảnh hưởng đến chi phí tạo nguồn và lợi nhuận, kế hoạch Tập đoàn đặt ra cho cả năm tại ĐHĐCĐ 2022 khó lòng thực hiện được.
Do đó, Tập đoàn điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022, cụ thể nâng doanh thu hợp nhất lên 240 ngàn tỷ đồng, tăng 29% so với kế hoạch; giảm lợi nhuận trước thuế còn 300 tỷ đồng, chỉ còn bằng 1/10 kế hoạch trước đó.
Trước Petrolimex, sau khi công bố KQKD 9 tháng, Masan (MSN) cũng dự kiến doanh thu cả năm 2022 chỉ đạt 75.000 - 80.000 tỷ đồng, và lãi sau thuế đạt từ 4.800 - 5.500 tỷ đồng - thấp hơn 2.100 - 3.000 tỷ so với mục tiêu lãi sau thuế từ 6.900 - 8.500 tỷ đồng đã đề ra hồi năm nay. "Do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu", Masan lý giải về việc hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022.
Ở nhóm doanh nghiệp bé hơn, mới đây nhất Licogi 18 (L18) cũng xin điều chỉnh doanh thu xuống còn 2.720 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với kế hoạch, tổng lợi nhuận trước thuế điều chỉnh giảm 20%, xuống 56,4 tỷ đồng. Dù đã điều chỉnh kế hoạch nhưng với kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022, Licogi 18 vẫn còn cách đích lãi điều chỉnh khá xa.
Một doanh nghiệp khác là Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) cũng đã hạ mục tiêu LNST năm 2022. Theo kế hoạch mới, công ty đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác 8.655 tỷ đồng, LNST hơn 254,5 tỷ đồng. So với kế hoạch đã trình tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào tháng cuối tháng 4, chỉ tiêu LNST mới đã giảm gần 37%.
Trước đó CMH Viet Nam (CMS) cũng điều chỉnh mục tiêu doanh thu gần 182 tỷ đồng, giảm gần 60% so với kế hoạch trước đó; lợi nhuận trước thuế gần 620 triệu đồng, giảm gần 99%. Việc điều chỉnh diễn ra trong bối cảnh kết thúc 9 tháng đầu năm, CMS báo lỗ sau thuế hơn 2 tỷ đồng.
Việt Trung Quảng Bình (VTQ) cũng điều chỉnh kế hoạch tổng doanh thu và lãi trước thuế năm 2022 của VTQ xuống còn gần 84 tỷ đồng và 7 tỷ đồng, giảm hơn 19% và 74% so với kế hoạch được thông qua trước đó. Dù đã điều chỉnh kế hoạch nhưng sau 9 tháng VTQ cũng mới chỉ lần lượt thực hiện được 54% mục tiêu doanh thu và 36% mục tiêu lợi nhuận.
Xuất Nhập khẩu An Giang (AGM) điều chỉnh mục tiêu doanh thu còn 3.939 tỷ đồng và lãi trước thuế còn 25 tỷ đồng, lần lượt giảm 51% và 64% so với kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên trước đó.
Giải thích về nguyên nhân điều chỉnh giảm kế hoạch, AGM cho rằng việc này sẽ giúp Công ty đảm bảo ổn định sản lượng tiêu thụ, tập trung đẩy mạnh mảng kinh doanh gạo nội địa nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023 và trung hạn đến 2025. Bên cạnh đó, AGM cũng chỉ ra những khó khăn đang gặp phải của Công ty trong năm 2022.
Trong lĩnh vực chứng khoán ghi nhận trường hợp của Chứng khoán Bảo Việt (BVS), sau điều chỉnh, doanh thu của BVS còn 925 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế còn 166,4 tỷ đồng lần lượt giảm 21% và 41% so với kế hoạch đưa ra trước đó.
Ngoài ra Chứng khoán KS cũng đã điều chỉnh giảm gần 37% mục tiêu lợi nhuận trước thuế xuống còn 450 tỷ đồng. Công ty này cho biết cũng sẽ không tăng vốn năm 2022, đồng thời giảm quy mô nhân sự và các hoạt động mua sắm đầu tư.
Ở chiều ngược lại vẫn có doanh nghiệp điều chỉnh tăng chỉ tiêu kinh doanh năm 2022, trong đó ấn tượng nhất là ông lớn Đạm Phú Mỹ (DPM), ngay khi công bố KQKD quý 1 rất ấn tượng DPM đã công bố kế hoạch điều chỉnh năm 2022 với doanh thu đạt 17,2 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3,5 nghìn tỷ đồng.
Kế hoạch điều chỉnh cao hơn đáng kể so với mục tiêu sơ bộ cho năm 2022 đã công bố vào tháng 12/2021, với mục tiêu lợi nhuận sau thuế mới gấp bốn lần con số trước đây. Ngoài ra mới đây dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, Đạm Phú Mỹ còn điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2022 lên mức 70%, tương ứng 7.000 đồng/cổ phần.
Hay trường hợp của Nam Việt (ANV) sau nửa đầu năm cũng đã điều chỉnh và thông qua kế hoạch doanh thu của năm 2022 là 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 6% và 38,9% so với kế hoạch đã trình trong tài liệu ĐHĐCĐ.
Nếu kế hoạch này đạt được thì đây là con số doanh thu cao kỷ lục của ANV kể từ khi thành lập tới nay. ANV điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 trong bối cảnh ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang có nhiều thuận lợi.
Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (ICN) cũng gây ấn tượng khi điều chỉnh tăng kế hoạch tổng doanh thu lên 635 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 332.5 tỷ đồng, tăng lần lượt 87% và gấp gần 6 lần so với kế hoạch thông qua trước đó. Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ điều chỉnh tỷ lệ chia cổ tức từ 45% trước đó lên 250%.
Hay Pin Hà Nội (PHN) điều chỉnh chỉ tiêu lãi trước thuế đạt 44,1 tỷ đồng tăng gần 10 tỷ đồng, tương ứng tăng 27,5% so với kế hoạch trước đó.
Có thể thấy việc điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2022 đa phần là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.