Theo thống kê, trong năm 2021, có 19 doanh nghiệp trích quỹ khen thưởng, phúc lợi trên 100 tỷ đồng. Trong đó có 5 doanh nghiệp trích quỹ trên 1.000 tỷ đồng là Vietcombank (2.000 tỷ đồng), Vietinbank (1.800 tỷ đồng), BIDV (1.800 tỷ đồng), Hòa Phát (1.200 tỷ đồng) và Vinamilk (1.100 tỷ đồng). Top 3 là 3 ngân hàng trong "big 4", ngoài ra còn ngân hàng khác góp mặt trong danh sách là MBBank đứng thứ 6, LienVietPostBank đứng thứ 12 và ACB đứng thứ 16.
Nhiều doanh nghiệp cùng họ dầu khí cũng nằm trong nhóm những doanh nghiệp trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cao là PV GAS với 335 tỷ đồng, PV Power trích 203 tỷ đồng, Đạm Cà Mau 197 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Bình Sơn 180 tỷ đồng, Đạm Phú Mỹ 149 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp hàng không như ACV và Vietjet lần lượt trích quỹ 390 tỷ đồng và 381 tỷ đồng.
Quỹ khen thưởng, phúc lợi là các quỹ được trích lập từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Quỹ này được lập ra chủ yếu dùng cho công tác khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất, phục vụ nhu cầu phúc lợi của công ty và nhu cầu phúc lợi công cộng. Từ đó góp phần cải thiện, nâng cao đời sống và tinh thần làm việc cho người lao động.
Khi so sánh cùng số tiền các doanh nghiệp trên dùng để trả cổ tức, có 12 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao hơn trích quỹ phúc lợi còn 7 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt thấp hơn.
Trong số các doanh nghiệp này, Vinamilk là doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất với hơn 7.500 tỷ đồng, lớn hơn số tiền trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 5,7 lần. Còn doanh nghiệp có chênh lệch giữa cổ tức bằng tiền và trích quỹ lớn nhất về tỷ lệ là GAS với số tiền trả cổ tức gần 5.900 tỷ đồng, bằng 17,5 lần số tiền trích quỹ.
Ngoài Vinamilk và GAS, những doanh nghiệp cũng có tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền lớn hơn trích quỹ khen thưởng, phúc lợi tính bằng lần là Vietcombank, Vietinbank, FPT, FPT Telecom, PV Power, Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Vicostone, Dabaco.
Trong số 7 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt thấp hơn quỹ phúc lợi khen thưởng, BIDV là doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất với 804 tỷ đồng, bằng 45% số tiền trích quỹ phúc lợi. Những doanh nghiệp còn lại như MB Bank chỉ trả 3 tỷ đồng, BSR trả 1,7 tỷ đồng, còn ACV, Vietjet, LienVietPostBank, ACB thig không trả cổ tức bằng tiền mặt trong khi vẫn trích quỹ phúc lợi hơn 100 tỷ đồng.