Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) là một hiệp định lớn nhất và có tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Hiện Hiệp định đã thực thi được hơn 3 tháng song theo các chuyên gia, đến nay việc thực hiện vẫn còn khá chậm chạp.
Bên cạnh những doanh nghiệp đã tận dụng được những cơ hội đầu tiên từ CPTPP, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang nhìn “cánh cửa” mở ra và nhưng chưa biết cách nào để bước vào. Thậm chí còn có doanh nghiệp chưa lưu tâm vào “cánh cửa” này.
Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm đối với thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Canada đạt trên 500 triệu USD (tăng 36,6%); thị trường Mexico đạt khoảng trên 320 triệu USD (tăng 11,2%); một số nước khác như Chile và Peru đạt được mức tăng trưởng tương đối tích cực…
Các doanh nghiệp phải tự mình chủ động tìm hiểu chi tiết các thông tin về CPTPP
Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI có sự chuẩn bị tốt để tận dụng vào các thị trường các nước trong khối CPTPP có sự tăng trưởng rất tốt, thì doanh nghiệp nội địa lại đang gặp khó khăn khi mà các hướng dẫn, thủ tục vẫn đang chưa nắm rõ. Do đó, sự chuẩn bị và thực thi các đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường trong khối CPTPP vẫn còn rất hạn chế.
Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp biết rõ về CPTPP chỉ chiếm 13% trong khi tỷ lệ doanh nghiệp biết hạn chế (biết tương đối hoặc rất ít) chiếm tới 65%. Đáng lưu ý có tới 14% số lượng doanh nghiệp được hỏi hoàn toàn không biết gì về CPTPP mặc dù FTA này đã được nhắc tới nhiều bởi các phương tiện truyền thông (báo, đài) trong suốt quá trình đàm phán cho đến khi được ký kết (hơn 6 năm).
Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Hiệp định CPTPP rất phức tạp, điều tra tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết về Hiệp định vẫn còn thấp, hạn chế hơn so với các FTA khác.
“Đây là một điều rất đáng suy nghĩ bởi cơ hội từ Hiệp định CPTPP rõ ràng lớn hơn hẳn so với các FTA trước đây. Song do phức tạp, đồ sộ và là Hiệp định lớn nên mức độ hiểu biết của doanh nghiệp còn rất hạn chế, điều này ảnh hưởng tới việc tận dụng Hiệp định này. Hi vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin, tìm hiểu chi tiết về cam kết của Hiệp định liên quan đến doanh nghiệp để tập dụng được nhiều cơ hội”, bà Phương cho lưu ý.
Những lợi ích và cơ hội mà CPTPP mang lại vẫn rất lớn như tiếp tục tạo động lực thúc quá trình hội nhập mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, mở rộng quan hệ tự do thương mại với nhiều nước hơn trong khu vực và trên thế giới… Song mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn đối với các doanh nghiệp trong nước, bởi hiện nay doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa (chiếm đến hơn 90%) nên khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các luật chơi mới sẽ còn hạn chế. Cùng với đó, là sự thiếu hụt về nguồn vốn, nhân lực… dẫn đến việc mở rộng quy mô sản xuất sẽ còn khó khăn…
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam, hiện năng lực nội tại của doanh nghiệp còn rất hạn chế, do đó cần phát triển các doanh nghiệp cùng ngành nghề theo cụm, chuỗi để tận dụng được việc kết nối giữa các nguồn cung, nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian, các vùng quy hoạch như vậy giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận kết nối trong chuỗi cung ứng tốt hơn.
“Cần nâng cao năng lực cho cho các doanh nghiệp trong việc phát triển các nguồn nhân lực, bởi đây là yếu tố yếu kém cần khắc phục để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối và tiếp cận thị trường, đặc biệt là thông tin thị trường cũng như những yêu cầu cụ thể để có thể ra nhập thị trường lớn”, bà Xuân nêu ý kiến.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng được các lợi ích của Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp cần được hướng dẫn một cách chi tiết về các cam kết cụ thể của CPTPP liên quan đến lĩnh vực của doanh nghiệp mình. Điều này đòi hỏi phải có nhiều các khóa đào tạo, các tài liệu hướng dẫn chuyên sâu về cam kết CPTPP trong từng lĩnh vực cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở từng khu vực cụ thể.
Hiệp định CPTPP rất phức tạp nên tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết về Hiệp định này vẫn còn rất thấp. |
Bên cạnh đó, với mỗi nước thành viên CPTPP lại có những cam kết khác nhau cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, cùng những quy định cụ thể khác của thị trường đó… vì vậy, việc đi sâu phân tích các cam kết và quy định thị trường của từng nước thành viên là rất cần thiết cho doanh nghiệp. Thời gian tới đây, các Bộ, ngành phải tích cực vào cuộc hơn nữa, thực thi nghiêm túc hơn nữa trong việc hoàn thiện thể chế để tận dụng những lợi thế từ Hiệp định mang lại. |
Cho rằng các doanh nghiệp không những phải hiểu được bản chất của Hiệp định, mà phải hiểu rất sâu mới học hỏi và tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định mang lại, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, mỗi quốc gia phải biết đấu tranh biết bảo vệ quyền lợi bằng pháp lý và trên cơ sở pháp lý. Điều này cần sự vào cuộc của cả doanh nghiệp, Hiệp hội, ngành hàng cũng như Chính phủ.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn có tiềm năng để hiểu về vấn đề pháp lý thì không đủ nguồn lực và năng lực. Do đó việc hỗ trợ từ Chính phủ, từ các Hiệp hội là rất quan trọng, tuy nhiên tiến trình này cần bài bản và chuyên nghiệp, phải biết đấu tranh và bảo vệ bằng công cụ pháp lý”, ông Thành lưu ý.
Rõ ràng, để tận dụng được cơ hội từ CPTPP, các doanh nghiệp phải tự mình chủ động tìm hiểu chi tiết các thông tin, về cam kết của Hiệp định liên quan đến doanh nghiệp là vấn đề rất cần thiết trong thời gian tới. Chỉ có chủ động thì mới tận dụng được những lợi thế, cũng như tìm ra được điểm yếu để khắc phục, qua đó nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của mình, vươn xa và hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế.