Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu quý 3/2021. Trong khi hàng loạt tên tuổi đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, vẫn có những doanh nghiệp "sống khỏe" giữa thời kỳ dịch bệnh.
Việc giãn cách xã hội đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu phần nào ảnh hưởng. Tuy nhiên, cập nhật tình hình tháng 7 vừa qua, không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực thép, công nghệ - viễn thông, hoặc ngành hàng thiết yếu… vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tốt về cả doanh thu và lợi nhuận.
Sau 6 tháng đầu năm đồng loạt phá kỷ lục lợi nhuận, các doanh nghiệp thép vẫn đang tiếp đà tăng trưởng trong tháng đầu tiên của quý 3. Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) cập nhật, sản lượng tiêu thụ tháng 7 ước đạt hơn 189 nghìn tấn, khiến doanh thu tăng mạnh 97% so với cùng kỳ năm trước lên 4.921 tỷ đồng. Tính riêng trong tháng này, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của HSG đạt hơn 123 nghìn tấn; đồng thời đã ký các hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 11/2021. Công ty cho biết, điều này sẽ giúp duy trì được sản lượng bán hàng ổn định và mang về doanh thu lên tới 4.500 tỷ đồng/tháng.
Tại Thép Tiến Lên (TLH), công ty nhập giá bình quân hàng hoá thấp và giá bán tăng cao đã dẫn đến lợi nhuận gộp tăng tương ứng, trong tháng 7 biên lợi nhuận gộp đạt mức 24%. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, TLH thực hiện 54% kế hoạch doanh thu cả năm, song đã ghi nhận lãi sau thuế kỷ lục 355 tỷ đồng, vượt 42% mục tiêu năm.
Việc thế giới mở cửa lại sau quãng gián đoạn bởi dịch bệnh đã kích thích cầu xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu ghi nhận tình hình rất tích cực. Ngoài thép, cầu xuất khẩu dệt may cũng tăng mạnh. Đặc biệt tại Dệt may TNG, lượng đơn hàng rất tốt nhờ chuyển dịch đơn hàng từ các nhà máy dệt may tại miền Nam ra phía Bắc; cộng thêm việc không bị ảnh hưởng bởi chi phí logistics khi các đơn hàng chủ yếu là FOB. Doanh thu tháng 7 của TNG đạt 595 tỷ đồng; thậm chí, nếu không có tình trạng thiếu hụt container, doanh thu có thể lên ngưỡng 650 tỷ đồng.
Hay tại doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là Vĩnh Hoàn (VHC), sản phẩm cá tra xuất khẩu tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 554 tỷ doanh thu. Sự tái hoạt động của nhà hàng cũng như ngành dịch vụ thực phẩm của thị trường Mỹ đưa kim ngạch xuất sang Mỹ trong tháng 7 của Vĩnh Hoàn tiếp đà tăng mạnh 31%; các thị trường EU và Trung Quốc cũng tăng từ 14-18%.
Cơ cấu doanh thu tháng 7 của Vĩnh Hoàn (tỷ đồng)
Hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, đặc biệt là địa bàn hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) ghi nhận tình hình kinh doanh tháng 7 với kỷ lục mới khi doanh thu gần 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Chính sự tăng trưởng vượt trội này đẩy tỷ lệ đóng góp của BHX trong tổng doanh thu của Thế giới Di Động (MWG) lên tới 45%.
Tương tự, báo cáo của Vinamilk cho biết doanh thu nội địa công ty mẹ trong tháng 7 đã tăng 6% so với cùng kỳ, một phần nhờ người tiêu dùng tăng cường tích trữ các sản phẩm sữa.
Ngành công nghệ cũng đứng vững trong bối cảnh dịch bệnh. COVID-19 gây không ít khó khăn cho hoạt động trong và ngoài nước của Viettel Construction (Mã CK: CTR), tuy vậy doanh thu tháng 7 vẫn tăng 35%, ghi nhận 682 tỷ đồng. Đặc biệt, khối thị trường nước ngoài có sự bứt phá mạnh khi đem về doanh thu 76,4 tỷ đồng, tăng trưởng 73% so với cùng kỳ.
"Ông lớn" Tập đoàn FPT trong tháng 7 vừa qua ước đạt 2.774 tỷ đồng doanh thu, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 492 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm, lãi ròng vượt kế hoạch 2% lên 2.233 tỷ đồng. Theo báo cáo, doanh thu các mảng Công nghệ, Dịch vụ CNTT và Chuyển đổi số đều đạt mức tăng trưởng hai chữ số. Ngược lại, Giáo dục, Đầu tư và Khác lại giảm do không ghi nhận doanh thu, tăng chi phí và đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu.
Có thể thấy trong khó khăn vẫn có nhiều doanh nghiệp ngược dòng thành công. Những luồng thông tin tốt từ kết quả kinh doanh phần nào đã được phản ánh trên thị trường chứng khoán. Dòng tiền chảy vào các nhóm cổ phiếu thép, cảng biển, dệt may, bán lẻ, bất động sản, thủy sản, công nghệ... thời gian qua ghi nhận khá tốt. Kết quả, thị giá cổ phiếu nhiều phiên đã tăng điểm mạnh, thậm chí còn tạo nhiều đợt "sóng" tăng trần.