Theo Sở KH&ĐT Đà Nẵng, trong 3 tháng đầu năm 2021, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn hơn 320 tỷ đồng; 3 dự án đầu tư trong nước trong các KCN, Khu Công nghệ cao (CNC) với tổng vốn 73,4 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thành phố cấp mới 9 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 146 triệu USD, có 5 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 9,372 triệu USD; đồng thời có 13 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần trong các tổ chức kinh tế với tổng vốn đăng ký mua 1,652 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15/3, Đà Nẵng có 895 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,862 tỷ USD.
Đặc biệt, thời gian qua, Đà Nẵng đã thu hút 6 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp. Trong 6 dự án đã thu hút đầu tư, có 3 dự án đến từ thị trường trọng điểm mà Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư là Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng qua, Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 776 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.017 tỷ đồng; tăng 23,2% về số vốn so với cùng kỳ 2020. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 32.552 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 221.314 tỷ đồng.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, sự phát triển của doanh nghiệp FDI không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế thành phố và còn có những đóng góp to lớn vào sự hình thành những mô hình kinh tế mới. Vì sở hữu vốn đầu tư từ người nước ngoài nên việc điều hành, quản lý của doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp và với trách nhiệm cao hơn; luôn đảm bảo nguồn vốn cho việc triển khai, thực hiện dự án. Bên canh đó, nhờ việc cộng tác cùng doanh nghiệp nước ngoài mà doanh nghiệp FDI thường được chuyển giao các kỹ thuật công nghệ cùng khoa học hiện đại vận dụng trong việc điều hành doanh nghiệp...
Ông Sơn cho rằng, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần triển khai một số biện pháp để thu hút đầu tư. Trong đó, Chính phủ cần tạo điều kiện, cho phép thành phố thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, khôi phục và phát triển kinh tế. Đồng thời, xây dựng định hướng rõ ràng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng định hướng, tiêu chí thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư gắn với xử lý mối quan hệ giữa thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm bớt việc nhập khẩu nguyên liệu ở nước ngoài, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến phát triển, hạn chế đầu tư vào các ngành gia công, các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. Xây dựng chương trình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ nhau cùng phát triển
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng, trong năm 2021, Đà Nẵng sẽ tổ chức 12 hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến hướng đến các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… Đặc biệt, Đà Nẵng tập trung thu hút các nhà đầu tư ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ (du lịch, giáo dục, logistics….) chất lượng cao.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đầu năm nay, thành phố chỉ đạo về việc rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư.