Theo báo cáo về tình hình thị trường BĐS của UBND Tp.HCM gửi Bộ Xây dựng mới đây, thành phố hiện có nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại các thủ tục pháp lý, thậm chí điều tra, đặc biệt là các dự án có nguồn gốc là đất do Nhà nước quản lý. Tình hình này khiến các sở, ngành có liên quan chậm trong việc giải quyết thủ tục pháp lý các dự án.
Theo UBND Tp.HCM, tình hình kinh doanh BĐS trên địa bàn Tp.HCM thời gian qua phát triển tốt, khắc phục được cơ bản những hạn chế của thị trường. Tuy nhiên, hệ thống quy định pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc quản lý. Đơn cử như trường hợp một căn hộ bán cho nhiều người, vấn đề này xuất phát từ sự bất cập của quy định cũ (theo Luật Nhà ở năm 2005, Nghị định 90/2006 của Chính phủ) đã tạo điều kiện và giao nhiều thẩm quyền cho chủ đầu tư. Dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán.
Để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ miễn, giảm thuế; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc kéo dài thời hạn cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chiụ sự tác động của dịch Covid-19.
Đồng thời, cho phép chủ đầu tư hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với toàn dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng. Cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh BĐS đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại (không phải là nhà ở).
Thực tế, nguồn cung cho thị trường ở Tp.HCM vẫn đang tắc nghẽn do những vướng mắc về pháp lý kéo dài cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện có khoảng 126 dự án nhà ở "dậm chân" tại chỗ nhiều năm liền do vướng mắc các thủ tục pháp lý, trong đó có dự án kéo dài 4-5 năm. Điều này đang thật sự gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu các doanh nghiệp vay 70% trong tổng mức đầu tư khoảng 88.000 tỉ đồng, với lãi suất 10%/năm, 5 năm qua đã phải trả lãi vay lên đến khoảng 44.000 tỉ đồng. Sự đình trệ này dẫn đến nguồn cung dự án sụt giảm lớn, doanh nghiệp không thể triển khai dự án, thị trường thiếu sản phẩm đẩy giá nhà lên cao, dồn người mua nhà vào thế khó, đồng thời khiến ngân sách nhà nước thất thu cả về thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, dự án chậm không chỉ doanh nghiệp bị thiệt, còn kéo theo rất nhiều hệ lụy. Một trong những nhân tố bị ảnh hưởng trực tiếp là người mua nhà, vì dự án kéo dài làm giá thành tăng cao đã gây xung đột giữa chủ đầu tư và khách hàng, cơ hội sở hữu nhà của người có nhu cầu cũng bị hạn chế…
Chính phủ vừa có Tờ trình số 376/Ttr-CP ngày 5/10/2021 gửi Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật. Nếu dự án luật sửa đổi trên được Quốc hội xem xét thông qua, sẽ tháo gỡ được ách tắc cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc chỉ có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Điều này vừa tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, vừa kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch và công bằng, vừa tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với những nỗ lực nói trên hy vọng trong thời gian tới, nhiều nút thắt được tháo gỡ sẽ giúp nguồn cung nhà được tăng lên, trong đó có những dự án nhà giá rẻ, góp phần tạo dựng chỗ ở khang trang cho người nghèo.