Rivian và Lucid, hai tấm gương cho VinFast
Ngày 10/11/2021, cổ phiếu Rivian ra mắt thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được mong đợi tại Mỹ. 153 triệu cổ phiếu được bán với giá ban đầu 78 USD mỗi đơn vị giúp Rivian thu về gần 12 tỷ USD. Định giá nhà sản xuất ô tô điện Mỹ thời điểm đó đạt 66,5 tỷ USD. Cho đến nay, vốn hoá của Rivian đã tăng lên mức 92,5 tỷ USD, cao hơn cả Ford (87 tỷ USD).
Đợt IPO của Rivian trở thành đợt IPO lớn nhất trên thị trường Mỹ kể từ năm 2014. Quy mô và giá cổ phiếu Rivian tăng nhanh phản ánh sự hào hứng của nhà đầu tư về thị trường xe điện, đặc biệt là với các công ty khởi nghiệp đang tìm cách phát triển xe điện cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.
Năm vừa qua cũng chứng kiến một phiên IPO của nhà sản xuất ô tô điện khác – Lucid. Lucid đã niêm yết thành công trên Nasdaq sau khi sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Công ty hiện đạt mức vốn hoá trên 67 tỷ USD.
Top 10 nhà sản xuất xe điện được định giá cao nhất thế giới
Rivian và Lucid có thể là hai ví dụ truyền cảm hứng đối với VinFast của Việt Nam. Nhà sản xuất ô tô thuộc tập đoàn Vingroup có kế hoạch IPO và niêm yết tại Mỹ vào nửa cuối năm 2022. Đáng chú ý, kế hoạch IPO của VinFast kỳ vọng vào mức định giá 60 tỷ USD, điều này là "vô tiền khoáng hậu" đối với một công ty Việt Nam.
Thương vụ IPO "vô tiền khoáng hậu" của VinFast
Vingroup đang tràn đầy quyết tâm với kế hoạch huy động vốn và niêm yết tại Mỹ của mình. Tập đoàn này đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại VinFast Việt Nam sang VinFast Singapore, pháp nhân sẽ tiến hành niêm yết tại Mỹ.
Chia sẻ với báo giới, bà Lê Thị Thu Thuỷ, người mới trở thành CEO VinFast Global cho biết VinFast sẽ chỉ bán từ 5 – 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc IPO không có mục tiêu nào khác ngoài việc tăng vốn, thu hút đầu tư công nghệ và kỹ thuật để phát triển VinFast theo đúng tầm nhìn và định hướng mà Tập đoàn Vingroup đã đặt ra.
Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra với mức định giá 60 tỷ USD của VinFast khi IPO. Nhưng nếu nhìn vào Rivian và Lucid, có cơ sở để tin vào con số này là không hoang đường.
Cho đến nay, dù có lúc được định giá tới hơn 100 tỷ USD, nhưng Rivian chưa hề phát sinh doanh thu. Mức lỗ ròng của công ty này là hơn 1,6 tỷ USD trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30/9/2021. Trong hai năm 2020 và 2019, Rivian lỗ ròng lần lượt 1 tỷ USD và 426 triệu USD. Tổng tài sản thời điểm cuối quý 3/2021 ghi nhận gần 6,5 tỷ USD.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Lucid, doanh thu hoạt động không đáng kể đi cùng với mức thua lỗ nặng. Công ty lỗ hơn 1,1 tỷ USD trong hai quý gần nhất.
Bản thân Tesla, đơn vị dẫn đầu trong cuộc đua xe điện toàn cầu cũng đã có màn tăng trưởng giá cổ phiếu ngoạn mục trong năm qua. Hiện định giá của Tesla đạt mức 1.200 tỷ USD, gấp gần 5 lần nhà sản xuất ô tô đứng thứ hai Toyota (258 tỷ USD). Năm 2021, Tesla báo cáo doanh số bán hàng đạt 936.000 xe trên toàn cầu, tăng 87% so với một năm trước đó. Thành công này được cụ thể bằng doanh thu bán hàng trong 12 tháng kết thúc ngày 30/9/2021 đạt 46,8 tỷ USD, lợi nhuận ròng 3,5 tỷ USD.
Quay trở lại với VinFast, theo Reuters, Vingroup đang trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư bao gồm Quỹ đầu tư công Qatar (QIA) và BlackRock nhằm huy động 1 tỷ USD vốn cổ phần tư nhân cho đơn vị sản xuất ô tô trong thời gian tới. Nếu như điều này trở thành sự thật, đây sẽ là bước đệm hoàn hảo cho việc VinFast niêm yết tại Mỹ.
Doanh thu bán hàng của VinFast
Như Lucid, các nhà đầu tư sớm vào công ty này đã chứng kiến thành công ấn tượng kể từ khi nhà sản xuất ô tô Mỹ niêm yết Nasdaq. Năm 2018, Quỹ đầu tư công Ả Rập Xê-út (PIF) đầu tư hơn 1 tỷ USD và Lucid đổi lấy lượng cổ phần đáng kể. Tháng 2/2021, PIF và BlackRock và một số nhà đầu tư khác đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào Lucid như một phần của thương vụ sáp nhập với SPAC. Tới thời điểm hiện tại, các khoản đầu tư nói trên đã tăng giá nhiều lần.
Tuy nhiên các nhà phân tích cũng nhận định rằng, sẽ là tương đối rủi ro khi đầu tư vào một công ty hầu như không có doanh thu nhưng vốn hoá thị trường lớn như vậy.
Về VinFast của Việt Nam ít nhất đã tạo ra những thành tựu nhất định kể từ khi ra mắt thị trường với các dòng xe chạy xăng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của công ty đạt gần 12.900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Hai năm trước đó, doanh thu của VinFast lần lượt đạt mức 17.400 tỷ đồng và 9.200 tỷ đồng.
Đường đến sàn chứng khoán Mỹ
Năm vừa qua chứng kiến nhiều công ty Việt Nam có kế hoạch IPO và niêm yết của phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ, ngoài VinFast có thể kể đến Bamboo Airways, VNG, Tiki…
Theo ông Chong Kwang Puay – Phó Tổng giám đốc điều hành, dịch vụ Kiểm toán KPMG Việt Nam, các công ty Việt Nam đang trưởng thành và bắt đầu tuyển dụng đội ngũ và chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trên thị trường vốn quốc tế. Các công ty cũng đang phát triển đến quy mô cho phép họ xem xét lựa chọn đa dạng hơn để huy động vốn. Bên cạnh đó, câu chuyện thành công ở các quốc gia lân cận khiến các công ty tin tưởng vào việc niêm yết tại thị trường nước ngoài thành công.
"Đây là một sự phát triển tự nhiên khi các công ty đi từ IPO trong nước đến phát hành chứng khoán ra nước ngoài, bao gồm cả phát hành trái phiếu quốc tế và niêm yết cổ phiếu", ông Chong Kwang Puay nói.
Đối với lựa chọn niêm yết thị trường chứng khoán Mỹ thông qua SPAC, đại diện Kiểm toán KPMG Việt Nam cho biết SPAC có thể đưa công ty mục tiêu niêm yết nhanh hơn so với IPO truyền thống ra thị trường nước ngoài. Điều này khiến cho các công ty từng không tính đến chuyện IPO hiện đang nghiêm túc theo đuổi phương án này.
Ông Chong Kwang Puay – Phó Tổng Giám Đốc Điều Hành, dịch vụ Kiểm toán – KPMG Việt Nam
"Có nhiều lý do khiến IPO truyền thống tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, quá trình De-SPAC vẫn phải báo cáo tài chính nghiêm ngặt. Các công ty niêm yết cần chuẩn bị thông tin và công bố thông tin theo US GAAP và IFRS (hai chuẩn mực kế toán quốc tế). Công bố thông tin phải chịu sự giám sát của Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Trong quá trình sáp nhập, các công ty phải xem xét định giá và quy mô chào bán để tránh vi phạm các quy tắc hiện hành về sở hữu nước ngoài. Các công ty tiếp tục phải tuân thủ các quy định của SEC sau khi niêm yết", ông Chong Kwang Puay nói.
Thêm nữa, ban giám đốc công ty phải có kế hoạch tuân thủ Mục 404 của Đạo luật Sarbanes – Oxley và sẵn sàng cho việc báo cáo, kiểm toán và soát nội bộ với báo cáo tài chính. Việc xem xét quản trị công ty bao gồm thành phần, vai trò, nghĩa vụ pháp lý và các yêu cầu báo cáo của Uỷ ban Kiểm toán và Hội đồng quản trị.
Theo ông Chong, các công ty trong nước nhìn chung vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Quá trình niêm yết nhanh hơn tạo ra áp lực rất lớn vì rất khó để tuyển dụng những giám đốc điều hành tài năng có thể thực hiện những thay đổi nhanh chóng như vậy. Chuyên gia KPMG nói rằng, SPAC là một lựa chọn, nhưng những công ty Việt Nam đang lên kế hoạch triển khai phương án này cần phải đánh giá và đầu tư đáng kể vào con người, quy trình và công nghệ để đáp ứng những thách thức lớn hơn với thời gian tăng tốc và để tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn sau niêm yết.