Tại Vietcombank, ngân hàng vừa bổ sung thêm tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB). Nội dung này không nằm trong dự kiến chương trình họp được công bố trước đó.
Vietcombank cho biết, việc tham gia tái cơ cấu này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế; đồng thời tạo cơ hội mang lại lợi ích cho cổ đông của VCB.
Trước Vietcombank, MB cũng có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Kế hoạch này đã được ĐHĐCĐ MB thông qua hôm 25/4.
Tại VietinBank, ngân hàng cũng cập nhật tài liệu trong đêm 28/4, trong đó bổ sung tờ trình tăng vốn điều lệ. VietinBank trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Cụ thể, VietinBank sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%.
Trong khi đó tại BIDV, hàng loạt tờ trình quan trọng như kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2022-2027 mới được công bố đêm 28/4.
Cụ thể, BIDV trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%. Cụ thể, nhà băng này sẽ phát hành thêm hơn 607 triệu cổ phiếu (tương đương 12% số cổ phần đang lưu hành) để trả cổ tức năm 2021 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, BIDV có thể huy động 6.070 tỷ đồng theo phương thức này.
Đáng chú ý, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.552 tỷ đồng thông qua phát hành thêm hơn 455 triệu cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Năm 2022. BIDV kỳ vọng mức lợi nhuận trước thuế đạt 20.600 tỷ đồng. VietinBank dự kiến lãi trước thuế riêng lẻ tăng 15% lên hơn 19.300 tỷ. Vietcombank muốn lợi nhuận năm nay tăng tối thiểu 12%, vượt 30.000 tỷ đồng.