Ông Nguyễn Hoàng Trang, (ngụ TP Thủ Đức) khiếu nại Công ty Resorts International Việt Nam về hợp đồng kỳ nghỉ với giá trị 251,208 triệu đồng và đã thanh toán 50% giá trị hợp đồng là 125,604 triệu đồng.
Theo ông Trang, những thông tin mà ông được công ty cung cấp trong buổi bán hàng là sai sự thật. Công ty không thực hiện đúng như cam kết sau khi ký hợp đồng, cụ thể là không đặt đúng khách sạn 4-5 sao cho ông theo thẻ platinum. Theo hợp đồng, ông được nghỉ dưỡng một năm hai lần với phí chênh lệch từ 100-250 USD nhưng thực tế ông được chỉ đáp ứng cho một năm đầu. Chưa hết còn họ đặt sai ngày nghỉ cho ông, dù yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần nhưng công ty vẫn không thực hiện. Do đó, ông Trang yêu cầu hủy hợp đồng.
Ông Lê Duy Đức, ở quận Bình Thạnh, TP HCM cũng khiếu nại Công ty Resorts International Việt Nam đánh lừa khách hàng.
Theo ông Đức, ban đầu doanh nghiệp này giới thiệu là công ty con của tập đoàn Resorts International ở Mỹ mà cựu Tổng thống Donald Trump từng làm tổng giám đốc. Sau hai giờ tham gia hội thảo bán hàng, vì mệt mỏi và bị thuyết phục nên ông đồng ý đặt cọc hơn 66 triệu đồng (40% giá trị hợp đồng).
Tuy nhiên, sau đó, ông Đức tìm hiểu mới biết công ty này không có liên quan gì đến tập đoàn ở nước ngoài mà có mối quan hệ với công ty khác cùng lĩnh vực đã bị khiếu nại nhiều lần. Do đó, ông Đức yêu cầu hủy hợp đồng.
Tại một hội thảo giới thiệu sở hữu kỳ nghỉ tại TP HCM
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên (ngụ quận 3) cũng khiếu nại công ty Resorts International Việt Nam thực hiện không đúng những gì đã cam kết. Theo đó, trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, công ty này đề nghị bà đóng 2 năm, mỗi năm đóng 58,637 triệu đồng, để được nghỉ dưỡng 10 năm. Thế nhưng, bà đã đóng 1/2 số tiền mà chưa được sử dụng dịch vụ. Nay, do mẹ của bà bị bệnh nặng nên yêu cầu công ty hoàn lại số tiền đã đóng trước đó.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hùng (ngụ quận Bình Tân) có đơn gửi đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, khiếu nại Công ty TNHH Hopeful Travel.
Trong đơn, ông Hùng kể nhân viên của công ty trên đã liên hệ qua điện thoại và tư vấn cho ông về sản phẩm thẻ hội viên (dùng cho các dịch vụ du lịch để nhận ưu đãi). Trong quá trình tư vấn, họ dùng nhiều từ ngữ gây hiểu lầm về sản phẩm, đồng thời dùng các thủ thuật để lấy thông tin thẻ tín dụng của ông để thanh toán chi phí sản phẩm của họ mà chưa có sự đồng ý của ông. Ông Hùng khẳng định mình không cung cấp mã OTP hay mã bảo mật của thẻ nhưng vẫn bị trừ tiền.
Tất cả các trường hợp trên yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ huỷ hợp đồng, hoàn lại số tiền đã nộp nhưng đều không được giải quyết thảo đáng.
Trong các khiếu nại nói trên, phía Công ty Resorts International Việt Nam đã trả lời về vụ việc của ông Phạm Hoàng Trang. Cụ thể, công ty này cho rằng khách hàng được sử dụng hợp đồng trong một năm là 365 ngày tính từ thời điểm ký hợp đồng chứ không tính từ tháng 1. Danh sách khách sạn công ty cung cấp cho khách hàng chỉ có tính tham khảo, khách sạn có thể thay đổi khách sạn tương đương theo từng thời điểm.
Công ty không đồng ý chấm dứt hợp đồng vì trong hợp đồng không có điều khoản cho khách hàng chấm dứt hợp đồng trong bất cứ trường hợp nào. Ngoài ra, công ty từ chối yêu cầu của khách hàng vì không có lỗi trong việc thực hiện theo các điều khoản của hợp đồng.
Theo biên bản hòa giải giữa hai bên, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP cho rằng khách hàng không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký, trong khi nội dung hợp đồng cũng không rõ ràng, không có điều khoản cho khách hàng chấm dứt hợp đồng là không hợp lý. Do đó, hòa giải bất thành và khách hàng có thể khởi kiện ra tòa.