“Ăn không ngon, ngủ không yên” sau khi nộp tiền cọc
Để bán được dự án nhanh và có tiền xây theo từng giai đoạn, nhiều chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn thông qua hợp đồng đặt cọc khi dự án chưa triển khai. Thậm chí, nhiều dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, mới nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, chưa giải quyết xong phần diện tích vướng đất công đã rầm rộ tổ chức các sự kiện mở bán, huy động vốn, nhận cọc của khách hàng lên đến hàng tỷ đồng.
Trên thực tế, khách hàng một số vì không tìm hiểu kỹ dự án, chỉ nghe “câu được câu mất” thông qua nhân viên môi giới mà không tìm hiểu kỹ dự án đã vội vàng rót tiền nên khi xảy ra chuyện mới ngã ngửa. Trong khi đó, số lượng khách hàng biết trước dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn là khá nhiều nhưng vì tin tưởng chủ đầu tư nên vẫn nhắm mắt mua liều.
Sau khi đóng cọc với số tiền dao động từ 300 triệu động đến 1 tỉ, nhiều khách hàng tại nhiều dự án cho biết họ “mất ăn mất ngủ” vì chờ mãi không thấy dự án triển khai. Nhiều dự án bán xong xuôi vẫn chỉ là bãi đậu xe. Có những dự án có thi công thì cầm chừng vì thiếu giấy phép xây dựng hoặc bị xử phạt vì vi phạm TTXD. Thậm chí, có những dự án bị thu hồi dù chủ đầu tư đã thu rất nhiều tiền của khách.
Khách hàng đòi chủ đầu tư trả tiền cọc tại một dự án ở Q.8. Ảnh: Minh Họa
Chị L.T.V.N., một khách hàng mua một dự án căn hộ tại Q.8, Tp.HCM vào năm 2017 cho biết, sau khi đóng cọc cho chủ đầu tư gần 300 triệu thì vợ chồng chị N. không có tâm trí tập trung công việc vì dự án thi công chậm, xây móng 2 năm không xong. Sau khi tìm hiểu, chị N. mới tá hỏa là dự án chưa có giấy phép xây dựng nên chủ đầu tư chỉ cho công nhân ra công trường hoạt động cầm chừng rồi đứng im cho đến nay.
Hay anh Trần Văn T mua một dự án khác ở Q.4, cũng trả cọc đến 70% từ đầu năm 2018 nhưng đến nay dự án vẫn chưa xây xong móng, chưa ký hợp đồng mua bán vì chưa có giấy phép xây dựng theo giai đoạn. Chủ đầu tư dự án này cũng từng bị xử phạt 40 triệu đồng vì tổ chức thi công khi chưa có giấy phép.
Tương tự, nhiều dự án khác trên địa bàn Tp.HCM cũng rơi vào cảnh “đắp chiếu” dù đã bán lên đến 90% cho khách hàng. Trong khi đó, theo Luật thì tất cả các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đều phải nghiệm thu phần móng mới được ký hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, do muốn huy động vốn sớm nên nhiều chủ đầu tư đã lách luật để bán “lúa non”, trong khi đó khách hàng do muốn mua được nhà giá rẻ nên nhiều người chấp nhận rủi ro.
Chiêu thức “mật ngọt chết ruồi”
Theo chia sẻ của khách hàng, khi tổ chức lễ mở bán giới thiệu dự án, chủ đầu tư thường đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn cho khách hàng đặt mua sớm nhất. Để tăng thêm sự tin tưởng, chủ đầu tư không quên hứa hẹn sẽ ký hợp đồng mua bán đúng hẹn, trong trường hợp rủi ro sẽ có cơ chế bảo vệ quyền lợi của khách hàng tối đa.
Tuy nhiên, khi xảy ra các vấn đề khiến dự án chậm triển khai hoặc thậm chí là bị thu hồi, ngừng thi công thì chủ đầu tư bắt đầu lật kèo. Thay vì trả lại cọc như đã cam kết thì khách hàng rơi vào thế “nắm dao đằng lưỡi”.
Trái với hứa hẹn trước đó, nhiều chủ đầu tư trốn tránh khi khách tìm đến trụ sở đòi tiền, một số chủ đầu tư đồng ý trả tiền nhưng chậm trễ, thậm chí là làm khó khách hàng với đủ các loại giấy tờ, điều khoản phức tạp. Thậm chí, chủ đầu tư còn đưa vào hợp đồng thanh lý nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng, ép khách hàng phải chịu lỗ hoặc xin được vay lại tiền theo lãi suất chứ không chịu trả cọc.
Chị N.V.K, một khách hàng mua một dự án ở Q.4 cho biết, sau khi dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư thì khách hàng đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư dự án này trả lại cọc nhưng liên tục bị gây khó dễ với những điều khoản mập mờ, khó hiểu. Thậm chí, khi khách hàng chấp nhận với những yêu cầu vô lý thì chủ đầu tư và ký hợp đồng thanh lý xong xuôi thì chờ mãi cũng chẳng thấy tiền về.
Khác với chị K., anh Lương Văn S. mua một căn hộ ở Q.Bình Tân sau 3 năm vẫn không được bàn giao nhà. Anh S. cho biết đã nhiều lần liên hệ chủ đầu tư xin trả cọc, thậm chí năn nỉ chủ đầu tư trả cọc nhưng vẫn chỉ nhận lại những lời hứa hẹn.
“Tiền đã đóng đến 50% rồi, họ nói khi nào có nhà thì giao chứ giờ không có tiền để trả. Chúng tôi đòi hoài cũng mệt mỏi quá rồi, cũng phải để thời gian đi làm việc khác, thôi đi phó mặc cho số phận thôi”, anh S. thở dài.