Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giờ đây đã quen dần với việc không phải kê khai hàng chồng giấy tờ hay đi lại nhiều lần để làm thủ tục kinh doanh.
"Chỉ cần ngồi văn phòng, tôi có thể gửi hồ sơ qua mạng. Sau đó, tôi tiếp tục theo dõi được hồ sơ được giải quyết ở khâu nào. Nhờ có dịch vụ công trực tuyến, chúng tôi hầu như không phải mất thời gian đi lại, tiết giảm cả thời gian lẫn chi phí", anh Nguyễn Anh Dũng – trưởng bộ phận kiểm soát chất lượng, công ty TNHH Dược phẩm Hạ Long nói.
Không chỉ doanh nghiệp, cán bộ công chức cũng cảm thấy "nhẹ nhõm" khi công việc được xử lý trên môi trường số. Cán bộ xã Tình Húc, thuộc huyện miền núi Bình Liêu khi thống kê lại đã không khỏi bất ngờ trước con số 10.000 công văn nhận và chuyển… qua mạng. 10.000 văn bản này, nếu được in bằng giấy, sau đó gửi qua bưu điện, sẽ là con số lớn cả về thời gian lẫn tiền bạc.
"Mỗi cá nhân có một tài khoản và các công văn được scan rồi gửi vào từng tài khoản liên quan chỉ trong vòng vài phút. Nhận được công văn, người đứng đầu chỉ đạo, giao cho cá nhân cụ thể nào đó phụ trách hoặc phối hợp thực hiện công việc và ấn định mốc thời gian hoàn thành", ông Vi Hồng Lâm, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã này chia sẻ.
Hay như bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: "Từ khi Đề án xây dựng chính quyền điện tử được triển khai đến cấp huyện, với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý văn bản được cập nhật thường xuyên, cho nên dù đi công tác xa, bản thân tôi và các đồng chí lãnh đạo huyện không bị gián đoạn. Chỉ cần chiếc Ipad có kết nối Internet là có thể chủ động đọc và xử lý được toàn bộ các văn bản đi, đến".
Trên thực tế, tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị triển khai xây dựng mô hình chính quyền điện tử từ rất sớm, từ năm 2013 và là địa phương đầu tiên triển khai thành công trục kết nối liên thông văn bản điện tử 4 cấp với Văn phòng Chính phủ.
Tỉnh từ nhiều năm trước đã thực hiện chủ trương văn phòng không giấy tờ. Đến nay, 100% các thủ tục hành chính của tỉnh được tiếp nhận, giải quyết và được máy tính hóa trên môi trường mạng.
Theo đó, việc quản lý, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện tập trung, thống nhất, công khai minh bạch, từ chỗ hầu như không có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong năm 2015 thì đến cuối năm 2018, Quảng Ninh đã cung cấp trên 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
Theo ghi nhận, trung bình mỗi năm tỉnh giải quyết được 600.000 hồ sơ trực tuyến, tiết kiệm hơn 70 tỷ đồng/năm.
Quảng Ninh cũng đã nhận được giải thưởng ASOCIO 2018 dành cho chính quyền số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á-Thái Bình Dương (ASOCIO).
Không chỉ dừng lại ở đó, hồi tháng 4/2019, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉn tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị liên quan nhằm xây dựng Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho việc triển khai xây dựng Chính quyền số vào năm 2020. Hiện Quảng Ninh đang triển khai một số dự án thành phần của chương trình phát triển Thành phố thông minh của tỉnh.
Việc xây dựng chính quyền điện tử được triển khai quyết liệt, bài bản đã tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần hình thành nền hành chính minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Chính bởi vậy, liên tục trong các năm trở lại đây, Quảng Ninh luôn giữ vị trí cao nhất ở các chỉ số như PCI hay Par Index.
Với những gì đã làm được, Quảng Ninh có thể xem là niềm cảm hứng, bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong quá trình số hoá chính quyền, hướng đến một bộ máy hành chính vì người dân phục vụ. Điều này giống như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi năm ngoái, khi đến thăm tỉnh này: Mong Quảng Ninh sẽ tiếp tục đi tiên phong về phương diện cải cách hành chính.