Trong kỳ họp thứ 16 từ ngày 20 đến ngày 22/6/2022 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và một số cá nhân ở Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Theo đó, nhận định các vi phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất, kinh doanh, đến uy tín của tổ chức đảng và Tập đoàn, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy TKV các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các cán bộ: Lê Minh Chuẩn, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; Đặng Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc; Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc, nguyên Đảng ủy viên Tập đoàn. Khiển trách ông Phan Xuân Thủy, Đảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
TKV làm ăn thế nào?
Giai đoạn 2015 – 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV đều ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận khá tích cực. Doanh thu và lãi ròng tập đoàn tăng trưởng bình quân lần lượt 7,49%/năm và 67,07%/năm.
Tính riêng năm 2021, doanh thu thuần TKV đạt 113.173 tỷ đồng, tăng 5,29% so với năm 2020. Nhờ việc tiết giảm mạnh các chi phí (chi phí tài chính giảm 24,8%; chi phí bán hàng giảm 4,7%), lãi sau thuế TKV lên đến 4.366 tỷ đồng, tăng 74,4%. Đây cũng là kết quả kinh doanh lợi nhuận cao nhất của TKV trong giai đoạn 2015-2021.
Tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2021 đạt 119.584 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 5,9% so với số đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu 44.796 tỷ đồng, tăng hơn 6,6%. Nợ phải trả là 74,788 tỷ đồng, giảm 12,1% và là mức thấp nhất giai đoạn 2015 - 2021.
Tính ra, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu TKV đạt 1,67 lần, thấp nhất trong 7 năm tài chính gần nhất. Khả năng thanh toán đạt 1,6 lần – mức cao nhất giai đoạn 2015 – 2021.
Năm 2022, TKV đặt mục tiêu sản xuất 38,8 triệu tấn than thành phẩm, tiêu thụ 43 triệu tấn than. Mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 131.600 tỉ đồng, tăng 16%; lợi nhuận sau thuế đạt 2.800 tỉ đồng, giảm 35,8% so với thực hiện năm 2021.
Tuy vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV cũng bộc lộ một số hạn chế, như số dư nợ phải thu khó đòi đến ngày 31/12/2021 là 279,1 tỷ đồng, số đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 40,8 tỷ đồng; trong đó, các khoản nợ quá hạn trên 3 năm chiếm hơn 71,3% nợ phải thu khó đòi.
Bên cạnh đó, theo báo cáo Bộ Tài chính gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giám sát tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV, tính đến ngày 31/12/2020, công ty mẹ TKV có một số khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, một số đơn vị có kết quả kinh doanh lỗ và thậm chí còn lỗ lũy kế.
Đơn cử, CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa lỗ 30,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 252 tỷ đồng, bằng 63% vốn điều lệ. CTCP Sắt Thạch Khê lỗ lũy kế là 21 tỷ đồng. CTCP Đồng Tả Phời lỗ 203,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 230,5 tỷ đồng, bằng 50,3% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, các đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính, phải đưa vào giám sát tài chính đặc biệt, như: Công ty than Hà Lầm có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hai năm liên tiếp cao hơn mức quy định (trên 10 lần). Một số đơn vị đầu tư vốn nhiều năm đến nay đã tạm dừng hoạt động, gây nên rủi ro thu hồi vốn, gồm: CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa, CTCP Sắt Thạch Khê…