Mất việc làm cục bộ xuất hiện tại nhiều địa phương
Theo báo cáo tình hình thị trường lao động 11 tháng năm 2022 của Cục Việc làm (Bộ lao động - Thương binh và Xã hội), thị trường lao động Việt Nam phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Chất lượng việc làm được cải thiện. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện.
Theo đó, tính đến hết tháng 9/2022, nguồn cung lao động hồi phục nhanh khi lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động có việc làm cũng đã tăng nhanh trở lại bằng với thời gian trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tính đến hết tháng 9/2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đang giảm trên cả nước. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này là 47%, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này là 62,2%, giảm gần 1,5%.
Thu nhập của người lao động cũng được cải thiện rất nhiều, hiện đạt mức 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 12,4%, tương ứng 727.000 đồng).
Đặc biệt, số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm. Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,35%, giảm 0,64% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thiếu việc làm là 2,29%, giảm 0,77%.
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Việc làm cũng cho biết trong 2 tháng 10 và 11, tình trạng mất việc làm xuất hiện cục bộ tại một số địa phương do ảnh hưởng tình hình chung của kinh tế - xã hội thế giới, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.
Theo báo cáo, tại TP.HCM đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động của 26 doanh nghiệp này, chiếm gần 1/5 lao động. Một số doanh nghiệp khác phải giảm giờ làm.
Tại Bình Dương, đa số các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 300 người vẫn ổn định, không có tình trạng cắt giảm lao động. Tại một số doanh nghiệp lớn trong các ngành gỗ, dệt may, da giày không tổ chức tăng ca, giảm ngày làm việc thứ 7. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động lên đến 30%. Một số doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động hết hạn hợp đồng.
Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn là các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ và ngành da giày.
Tại An Giang, số lao động đã bị giảm trong vòng một tháng qua và số lao động dự kiến giảm trong 3 tháng tới ước tính là hơn 4.000 người. Số lao động này đều là lao động phổ thông thuộc ngành dệt may, da giày.
Theo Cục Việc làm, tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động. Nhưng tại các địa phương này vẫn còn nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Như An Giang có nhu cần tuyển hơn 5.400 lao động, TP.HCM có nhu cầu tuyển 43.000 người… Đây cũng là cơ hội cho người lao động mất việc có thể tìm công việc mới.
Tăng cường giải pháp ổn định thị trường lao động
Báo cáo của Cục Việc làm cảnh báo rủi ro đến từ cuộc khủng hoảng về khí đốt ở Châu Âu, lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế của các nước.
Những khó khăn chung đó ảnh hưởng nhiều đến thị trường lao động, người lao động đối mặt với nguy cơ mất việc, giảm giờ làm, các cơ hội việc làm mới cũng sẽ ít đi. Lĩnh vực chịu nhiều rủi ro bao gồm chế biến lương thực, thực phẩm, y tế, du lịch…
Để ngăn ngừa thất nghiệp, phục hồi thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, Cục Việc làm đề nghị tập trung vào các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, Cục sẽ tiến hành rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI ở những ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, gỗ) để có phương án tổ chức kết nối cung - cầu lao động.
Điểm trọng yếu cần quan tâm là việc thực hiện chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tốt để kịp thời hỗ trợ người lao động, bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm. Đồng thời, phải kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
Cục Việc làm cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, tìm nguồn để tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động.
Cụ thể, Cục Việc làm đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỷ đồng để thực hiện ngay trong năm 2022.
Đồng thời đề nghị chuyển nguồn kinh phí còn dư của các chính sách đã cơ bản kết thúc trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sang cho vay giải quyết việc làm như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (khoảng 2.800 tỷ đồng), chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.