Đã có 5 nhân viên Eximbank bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố. |
Sai phạm trong điều hành
Trưa 26/3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khám xét Eximbank chi nhánh TP.HCM trên đường Đồng Khởi, Q.1 và bắt hai cán bộ tại chi nhánh này là bà Hồ Ngọc Thủy và bà Nguyễn Thị Thi. Việc bắt hai cán bộ tại chi nhánh này được cho là có liên quan đến vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng tiết kiệm của khách hàng tên Chu Thị Bình.
Hai bị can trên được xác định là người có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM - đã bị khởi tố, truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản) chiếm đoạt 245 tỷ đồng của ngân hàng Eximbank.
Vụ mất mấy trăm tỷ này chưa được giải quyết thì Eximbank lại dính vào một vụ bê bối khác liên quan đến một nhân viên đã nghỉ việc tại ngân hàng này là Nguyễn Thị Lam, nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Vinh, Nghệ An) lừa đảo chiếm đoạt 50 tỷ đồng của khách hàng. Một trong những khách hàng bị mất tiền này là ông Nguyễn Tiến Nam đã có đơn yêu cầu phải trả lại số tiền 28 tỷ đồng ông gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã “không cánh mà bay”, chỉ còn có 195 triệu đồng.
Cũng trong thời gian mới đây, một khách hàng ở Hà Nội là bà Bùi Tố Loan cũng “tố” bị mất 3 lượng vàng ở ngân hàng này.
Dường như kịch bản nhân viên lừa đảo, rút ruột chiếm dụng tài sản của khách hàng đã quá quen thuộc với nhà băng này. Như vậy một câu hỏi được đặt ra, hệ thống bảo mật hay quy trình rút tiền của Eximbank quá lỏng lẻo khiến cho tài sản của khách cứ “không cánh mà bay”.
Quy trình rút tiền của Eximbank quá nhiều lỗ hổng?
Theo tìm hiểu, Eximbank hiện nay đang triển khai dịch vụ Eximbank VIP phục vụ khách hàng cá nhân VIP khi gửi tiết kiệm hay vay ở một mức cao sẽ được ưu đãi lãi, miễn phí dịch vụ... Một trong những ưu đãi phục vụ đó là “Được Eximbank xem xét cung cấp dịch vụ thu, chi tiền mặt, dịch vụ cho vay, dịch vụ thẻ tận nơi theo yêu cầu của khách hàng”. Theo như quy định này thì các khách hàng VIP (khách hàng có 2 tỷ đồng trở lên đã là khách VIP của Eximbank) sẽ không cần đến ngân hàng mà có thể thực hiện các giao dịch tại nhà. Lợi dụng quy định này nên nhân viên của Eximbank dễ dàng rút tiền của khách hàng như 2 trường hợp nói trên.
Quy chế “phục vụ tận nhà” của Eximbank đã không tuân thủ quy định của pháp luật. Tại Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về Quy chế tiền gửi tiết kiệm, tại Điều 12 quy định địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm nêu: “Đối với mỗi thẻ tiết kiệm, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm được phép nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch nơi cấp thẻ hoặc các địa điểm giao dịch khác của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”.
Như vậy, để rút tiền (cả lãi và gốc) thì người gửi phải đến phòng giao dịch xuất trình đủ các giấy tờ liên quan, chữ ký rút tiền trùng với chữ ký đã đăng ký… thì mới được rút tiềm. Với quy chế khách hàng VIP Eximbank đã không tuân thủ những quy định cơ bản nhất của Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Lãnh đạo Eximbank chỉ tập trung "đổ lỗi" cho khách hàng
Với những quy định như trên thì rõ ràng “cháy nhà mới lòi mặt chuột”, từ một ngân hàng được đánh giá "khỏe mạnh" nhưng bắt đầu giai đoạn 2013-2014, Eximbank đã bắt đầu có biểu hiện xuống dốc và những năm gần đây thì “bê bết” trong khó khăn.
Trong mấy năm qua, khi kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ cũng không được quan tâm bằng việc thâu tóm, tranh giành quyền lực, nội bộ đấu đá của nhà băng này.
Thời gian trước, hàng loạt thông tin về gian dối trong quá trình bầu cử của Eximbank đã được các báo đưa tin. Bất chấp dư luận, bất chấp gian dối, ông Lê Minh Quốc vẫn ngồi vào “ghế nóng” - Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Thời gian qua, cách hành xử với khách hàng của lãnh đạo ngân hàng này cũng khiến cho người gửi tiền thực sự mất niềm tin vào nhà băng này. Trả lời báo chí, đại diện của Eximbank - từng khẳng định khi có kết quả điều tra sẽ trả lại tiền cho khách hàng, vậy khi kết quả được công bố, CEO Eximbank lại “đổ thừa” do chưa bắt được ông Hưng nên chưa trả.
Bên cạnh đó, thừa nhận việc rút tiền mà không có sổ tiết kiệm bản chính là chưa đúng quy trình, tuy nhiên ông Quyết cho rằng cũng có một phần lỗi ở khách hàng do trong suốt quá trình giao dịch với Eximbank, bà Bình chỉ giao dịch duy nhất với một mình ông Lê Nguyễn Hưng.
Như vậy, trong thời gian qua, ngân hàng chỉ tập trung đổ lỗi cho khách hàng mà quên đi trách nhiệm của mình? Theo Quyết định 1160 cũng có quy định trách nhiệm của ngân hàng “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”. Như vậy, việc khách hàng Chu Thị Bình mất 245 tỷ ở Eximbank, sự việc kéo dài hơn 1 năm mà ngân hàng vẫn chưa giải quyết thỏa đáng cho khách hàng. Vậy trách nhiệm của ngân hàng này nằm ở đâu? |
Mai Trinh