Cũng tương tự như việc người ta đau ốm đau rồi ra tiệm thuốc Tây cho dược sĩ kê toa. Định hướng tiêu dùng những mặt hàng cần quản lý đặc biệt này nhưng ngay từ đầu đã bị thương mại hóa thì khó đảm bảo tính trung thực.
Thị trường bát nháo như thế, lực lượng khuyến nông hay ngành BVTV cấp xã, ấp liệu có đủ sức quản lý?. Chưa kể đến nhiều gánh nặng chỉ tiêu cho tới các quy trình kỹ thuật khác mà lực lượng đơn lẻ đó vẫn đang cáng đáng, kiêm nhiệm.
Nông dân Hậu Giang sử dụng thuốc BVTV trên ruộng. Ảnh: C.L
Nhân viên tiếp thị được quyền bán hàng trực tiếp tới từng thôn ấp. Đại lý cũng có quyền bán các sản phẩm được cấp phép. Quá trình đó không thể can thiệp. DN bỏ chi phí sản xuất thì có quyền quảng bá sản phẩm. Nông dân (ND) cũng có nhu cầu tiếp cận thông tin mới.
Tuy nhiên, tác động quảng cáo từ hội thảo, tiếp thị rất lớn và dễ thành tai hại vì tập hợp đông người, ngay nơi sản xuất. Để ND “lạc trôi” giữa ma trận thông tin của DN thì chính quyền phải xem lại cách thức quản lý, quy trình phổ biến kỹ thuật để bảo vệ lợi ích cho ND.
Vấn nạn phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng sẽ không thể cải thiện nếu không có giải pháp mang tính tổng hợp, đòi hỏi không chỉ cấp quản lý chuyên ngành, T.Ư mà còn ở cấp địa phương. Nơi nào làm tốt thì ND nơi đó được lợi. Nhưng nếu địa phương còn ngó lơ, cái lợi của ND còn khó cân đong đo đếm hơn “cuộc đi đêm”… của DN thì chẳng ích gì.
Cũng vậy, cách xử lý với gian thương không nghiêm hoặc bất nhất sẽ tạo ra căn bệnh lờn thuốc, khiến các DN bất chấp mà lao theo lợi nhuận, lừa dối người tiêu dùng để chuộc lợi riêng.
Cho nên, đặt vấn đề ai gây nhiễu loạn thị trường phân bón, thuốc BVTV thì phải trở lại với vấn đề luật pháp và các cơ quan thừa hành – công cụ đang được sử dụng để ngăn ngừa và răn đe đã đủ hiệu quả chưa?
Bài toán cạnh tranh buộc phải tính toán đến mọi yếu tố liên quan sản xuất, quá trình phân phối đến tay người dùng. So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam gần như chỉ có ưu thế duy nhất là công lao động giá rẻ. Diện tích canh tác nhỏ hẹp; khoa học nông nghiệp chậm phát triển; vốn đầu tư ít; sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến; giá thành sản xuất cao, trong đó chi phí phân bón, thuốc BVTV chiếm khá lớn.
Cả nước đang tăng tốc hội nhập. Yếu tố thành công hay thất bại sẽ dựa trên nền tảng thực tế thị trường chứ không nằm trên bàn giấy hay báo cáo từ những mô hình. Việc quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV cũng cần thay đổi lại từ nhận thức rồi mới tính tới việc phải làm gì. Thay đổi bài bản là yếu tố sống còn, quan trọng nhất hiện nay của ngành.