Bộ phận phân tích SSI Retail Research trực thuộc công ty chứng khoán SSI vừa có báo cáo "Vietnam Trade Monitor" trong đó cho biết xuất khẩu tháng 11 đạt 20 tỷ USD giảm nhẹ 1,5% so với tháng 10 nhưng vẫn tăng 23,9% so với cùng kỳ 2016.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chính như điện thoại, dệt may, thủy sản đều giảm trong tháng 11.
Giá trị xuất khẩu điện thoại, mặt hàng chiếm 1/5 tổng xuất khẩu, trong tháng 11 là 4,59 tỷ USD, giảm 659 triệu USD so với tháng 10. Tuy giảm nhưng mức này vẫn rất cao so với trung bình từ đầu năm là 3,76 tỷ USD/tháng.
Nhập khẩu linh kiện điện thoại tiếp tục giảm trong tháng 11 vì vậy nhiều khả năng xuất khẩu điện thoại sẽ giảm nhẹ trong tháng 12. Tính từ đầu năm, xuất khẩu điện thoại đã đạt 41,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tính chung cả năm xuất khẩu điện thoại có thể đạt 45 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2016.
Xuất khẩu dệt may giảm 2,7% so với tháng 10 nhưng lại đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ khi tăng 14,2%. Đây là tháng 11 có tăng trưởng xuất khẩu dệt may cao nhất trong 4 năm gần nhất. Xuất khẩu dệt may bắt đầu có chuyển biến từ quý 3 và nhờ vậy sau 11 tháng tăng trưởng xuất khẩu dệt may tăng 9,6%. Tính chung 11 tháng, giá trị xuất khẩu dệt may là 23,7 tỷ USD, đứng thứ 2 sau điện thoại.
Hàng thủy sản cũng giảm 87 triệu USD trong tháng 11 và so với cùng kỳ chỉ tăng 13,4%, mức tăng thấp nhất trong vòng 8 tháng. Xuất khẩu thủy sản sang 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Nhật tăng thấp, bù lại, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hàn Quốc tăng trưởng cao.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu tháng 11 đạt 19,3 tỷ USD, tăng 7% so với tháng 10 và tăng 18.4% so với cùng kỳ năm 2016.
Sau 4 tháng giảm liên tiếp, tháng này, nhập khẩu máy móc thiết vị đã tăng trở lại, từ mức 2,53 tỷ USD trong tháng 10 lên 2,87 tỷ USD. Tuy vậy, việc gia tăng này có tính mùa vụ khi so với cùng kỳ, giá trị nhập khẩu tháng 11/2017 chỉ tăng 4,9%, thấp nhất trong vòng 14 tháng.
Máy móc và thiết bị vốn là mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn nhất nhưng bắt đầu từ tháng 11 năm nay, nhập khẩu máy móc đã tụt xuống đưng thứu 2 sau nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Với giá trị nhập khẩu thấp hơn xuất khẩu, Việt Nam tiếp tục có xuất siêu trong tháng 11 và đẩy tổng xuất siêu tính từ năm lên 3,17 tỷ USD, trong đó khối FDI xuất siêu 20,78 tỷ USD còn khối trong nước nhập siêu 17,6 tỷ USD.
Các nhà phân tích cho rằng, nhập khẩu tháng 12 thường tăng nhanh để hoàn thiện kế hoạch năm nên cán cân thương mại tháng 12 sẽ ở trạng thái cân bằng, giá trị xuất/ nhập siêu ở mức nhỏ.