H&M, hay Hennes & Mauritz, là hãng thời trang được thành lập tại Thụy Điển vào năm 1947, H&M sở hữu nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm Monki, Weekday, Cheap Monday, và COS.
Chiến lược của H&M là đưa ra những sản phẩm được quảng cáo là hợp tác thiết kế với những tên tuổi lớn của ngành thời trang thế giới, như Versace và Alexander Wang. Sự xuất hiện của những sản phẩm như vậy tại cửa hiệu của H&M giúp hãng gia tăng uy tín.
Việc kết hợp với các hãng danh tiếng cũng mang đến cho khách hàng của H&M những sản phẩm có sự khác biệt so với những thiết kế phổ thông của hãng.
Cũng giống như nhiều hãng bán lẻ thời trang khác, H&M đem các thiết kế đi thuê sản xuất ở các nước như Campuchia và Bangladesh, nơi có chi phí nhân công rẻ. H&M không trực tiếp sở hữu bất kỳ nhà máy nào, mà thay vào đó hợp tác với hàng trăm nhà cung cấp trên toàn cầu, chủ yếu nằm ở khu vực châu Âu và châu Á.
Để vận chuyển hàng hóa từ nhà máy tới cửa hiệu, H&M dùng đường sắt hoặc đường biển, nhằm tăng cường tính hiệu quả của logistics nội bộ. Các nhà thiết kế của H&M cũng không làm việc tại văn phòng trụ sở của hãng ở Stockholm.
Tại Việt Nam, H&M mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM vào tháng 9/2017, thu hút lượng lớn người xếp hàng vào mua sắm
Chỉ 2 tháng sau, H&M tiếp tục mở cửa hàng tại Hà Nội và cũng thu hút rất nhiều khách hàng trẻ.
Theo số liệu mà chúng tôi có được, dù chỉ vào Việt Nam từ tháng 9/2017, doanh thu của H&M trong năm này là 227 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 152 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gộp lên tới 67%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước và sau thuế của H&M chỉ là 13 tỷ đồng và 10 tỷ đồng cho thấy chi phí bán hàng và chi phí quản lý chiếm tỷ trọng rất lớn.
Sang năm 2018 doanh thu H&M tăng gấp 3 lần, lên 763 tỷ đồng và năm 2019 tăng tiếp lên 1.116 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của hai năm này tăng so với 2017 nhưng cũng ở mức rất thấp, là 11 tỷ đồng và 57 tỷ đồng trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định ở mức 65-66%.
Tính đến thời điểm hiện tại, H&M đang có 12 cửa hàng tại Việt Nam, gồm 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 cửa hàng ở TPHCM và 3 cửa hàng ở Cần Thơ, Đà Nẵng và Hạ Long.
Mặc dù vào Việt Nam khá thuận lợi, nhưng những năm qua H&M lại khốn đốn ở thị trường thế giới. Đầu tiên là việc phải đóng toàn bộ cửa hàng tại Nam Phi vì lỗi quảng cáo phân biệt chủng tộc. Khi đó, H&M đã tung một quảng cáo trong đó có một cậu bé da màu mặc một chiếc áo nỉ chui đầu có in trước ngực dòng chữ "coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: "chú khỉ ngầu nhất rừng xanh"). Quảng cáo này thậm chí đã gây nên một làn sóng biểu tình phản đối nhằm vào H&M.
Không những vậy, H&M trong năm 2018 còn chứng kiến tồn kho quần áo kỷ lục lên tới 4,3 tỷ USD do không bán được hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, các thiết kế của H&M lỗi thời và không cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thị trường.
Đến năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến H&M phải đóng hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới, chung cảnh ngộ với các hãng thời trang khác.
Đến đầu năm 2021, H&M tiếp tục gặp rắc rối khi bị người dân Trung Quốc ồ ạt tẩy chay sau khi tuyên bố không mua bông sản xuất ở Tân Cương. Hàng loạt cửa hàng của H&M tại Trung Quốc đã phải đóng cửa.
Hà My