Trong phiên chất vấn trước Quốc hội chiều nay (1/11), đại biểu Nguyễn Văn Dành (đoàn Bình Dương) đã hỏi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng về quản lý thị trường vàng và giải pháp cụ thể huy động nguồn vốn từ thị trường tiền tệ, vàng trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh ra sao?
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ nhất quán trong việc giữ ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; củng cố niềm tin người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng thay vì nắm giữ vàng, ngoại tệ.
Việt Nam không còn tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng từ nhiều năm nay. (Ảnh minh họa: KT)
|
Lượng tiền gửi VND khu vực dân cư tăng mạnh 3 năm qua, tiền gửi ngoại tệ giảm. Nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hoá sang đồng Việt Nam, minh chứng là dự trữ ngoại hối tăng mạnh và một phần trong số này đến từ việc chuyển hoá ngoại tệ từ nguồn lực trong dân, ông Hưng cho hay.
Nhiều năm trở lại đây Việt Nam đã không tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng, thị trường vàng ổn định và không gây bất ổn vĩ mô. Theo Thống đốc NHNN, điều này cho thấy những bước đi của Ngân hàng Nhà nước là đúng hướng, thời gian tới chúng tôi kiên định thực hiện các giải pháp này.
Đại biểu Nguyễn Văn Dành cũng chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng về tình trạng sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.
Thống đốc NHNN cho biết, hiện nay số lượng các cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp vào năm 2012 xuống còn 1 cặp. Số ngân hàng cổ phần sở hữu trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã giảm từ 56 cặp năm 2012 xuống còn 2 cặp tại ngân hàng thương mại cổ phần.
Số lượng các tổ chức tín dụng mà có cổ đông là tổ chức sở hữu cổ phần vượt 15% vốn điều lệ đã giảm từ 19 tổ chức năm 2012 xuống còn 4 tổ chức tín dụng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |
|
Vừa qua, NHNN cũng đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý vấn đề sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng do việc thoái vốn còn phụ thuộc vào tìm đối tác. Bên cạnh đó, chủ yếu nắm giữ tại các ngân hàng là các doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện lộ trình cơ cấu lại cũng như cổ phần hóa cho nên không phải khi thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước tại các ngân hàng thì cũng phải chọn thời điểm và giá cả để đảm bảo lợi ích của nhà nước, ông Hưng khẳng định.
Theo chỉ đạo của Chính phủ tại đề án 1058 về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đến năm 2020, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng này xây dựng lộ trình và phương án cơ cấu của từng ngân hàng để từ nay đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các vấn đề sở hữu chéo cũng như sở hữu vượt tỷ lệ cổ phần theo quy định của pháp luật, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ./.