Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã liên tục cảnh báo đến NTD, nhưng số “nạn nhân” vẫn không giảm…
Khi lướt qua mạng xã hội Facebook, bạn Nguyễn Thu Hương (ngụ quận 7) thấy một người tên Trung xưng là nhân viên ngân hàng đang “chạy” doanh số nên cần gấp 5 người đứng tên mở thẻ ATM với giá 200.000 đồng/thẻ. Đặc biệt, mỗi người có thể đứng tên mở 3-4 thẻ ATM tại các ngân hàng khác nhau, đều được Trung trả tiền đủ, sau đó các thẻ ATM này đều được trả lại chính chủ.
Thấy thủ tục mở thẻ ATM đơn giản, trong khi lại cần tiền để trang trải chi phí cho năm học mới, nên Hương đăng ký mở thẻ ATM để “bán” lại cho Trung. Theo hướng dẫn của Trung, Hương đến ngân hàng ở quận 7, mở thẻ ATM bằng các thông tin cá nhân của Hương. Riêng thông tin địa chỉ email và số điện thoại ghi trong hồ sơ làm mở thẻ thì lại là của Trung. Sau khi Hương làm xong thủ tục thì đều được Trung trả công đầy đủ. Trung hẹn Hương chờ vài ngày sau sẽ nhận được thẻ.
Một đối tượng người nước ngoài bị cơ quan điều tra bắt giữ do sử dụng tài khoản đứng tên người khác để lừa đảo.
Thấy kiếm tiền quá dễ, lại được thẻ ATM miễn phí, Hương đồng ý đứng tên làm thuê các thẻ ATM tại các ngân hàng khác để “giúp” Trung đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng thứ hai để mở thẻ ATM, nghe nhân viên ngân hàng căn dặn là đừng để lộ thông tin cá nhân cho người khác biết vì như thế sẽ có nguy cơ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo thì Hương phát hiện nhiều tin nhắn báo chuyển tiền trực tuyến vào tài khoản.
Chỉ trong 2 ngày, số tiền chuyển vào tài khoản là 18 triệu đồng và ngay lập tức số tiền được chuyển sang một tài khoản khác. Hoảng quá, Hương trình bày với nhân viên làm thẻ thì được thông báo, Hương đã bị đối tượng Trung lừa đảo.
Nếu như các đối tượng lừa đảo thuê người đứng tên mở thẻ ATM giá thường 200-300.000 đồng/thẻ. Với thủ đoạn này, khi mở thẻ xong, ngân hàng sẽ gửi thông tin về địa chỉ mail, số điện thoại đăng ký. Từ đó, các đối tượng sẽ đổi mật khẩu ngay trên trang điện tử và thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp mà chủ thẻ không hề hay biết. Tuy nhiên, đây chỉ là thủ đoạn nhỏ lẻ, hầu hết bị các ngân hàng phát hiện ngăn chặn kịp thời.
Điều rất nguy hiểm là trong thời gian gần đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ hàng loạt đối tượng phạm tội là người nước ngoài cầm đầu với thủ đoạn hết sức tinh vi. Điển hình, trường hợp bà Trương Thị Thu (ngụ quận Tân Phú) bị đối tượng người Nigeria lừa đảo.
Bà Thu cho biết, thông qua mạng xã hội bà Thu kết bạn với người có nickname Hilton Kip Morgan, quốc tịch Nigeria. Sau khi mối quan hệ thân mật, đối tượng đặt vấn đề mượn tiền bà Thu và được bà Thu đồng ý. Theo yêu cầu của Hilton Kip Morgan, bà Thu chuyển 7 lần tổng số tiền 134 triệu đồng vào tài khoản mang tên Trần Thị Thu Hà. Mặc dù, số tiền trong tài đã bị rút hết, nhưng bà Hà không hề hay biết. Bà Hà (ngụ quận Bình Thạnh) khai nhận, bà quen một người nước ngoài nickname Chris cũng qua mạng xã hội.
Khi nghe Chris nhờ “mở dùm” tài khoản để khách của Chris chuyển tiền vào, bà Hà đồng ý và đứng tên mở tài khoản 2 thẻ ATM tại hai ngân hàng khác nhau rồi giao thẻ ATM cho Chris sử dụng. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã xác định, hai người đàn ông là “bạn” của bà Thu và bà Hà, chỉ là một người có tên Nwadike Osinanna Christopher.
Theo chỉ đạo của đối tượng cầm đầu, Nwadike Osinanna Christopher lên mạng tìm kiếm người đứng tên mở tài khoản ngân hàng và sử dụng các tài khoản này để nhận tiền lừa đảo. Nwadike Osinanna Christopher được trả 5 triệu đồng/thẻ ATM và Nwadike Osinanna Christopher “chia” lại cho bà Hà 5,5 triệu đồng/ 2 thẻ. Nwadike Osinanna Christopher sử dụng thẻ này để rút 134 triệu đồng từ tài khoản của bà Hà do bà Thu chuyển vào.
Mới đây nhất, ngày 24-8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh có thông báo truy tìm một số bị hại trong vụ án. Trước đó, ngày 8-5, trong lúc Okorie Christian Uchechukwu (quốc tịch Nigeria) đang nhận 499 triệu đồng từ Nguyễn Thị Vân tại phía trước ngân hàng ở đường 3 tháng 2 (quận 10) thì bị cơ quan CSĐT bắt quả tang.
Cơ quan điều tra xác định, ngoài sử dụng tài khoản mang tên Nguyễn Thị Vân, còn có 2 tài khoản đứng tên Trịnh Thị Yến, tài khoản đứng tên Trần Trịnh Huyền Trâm, và tài khoản đứng tên Đặng Thị Thọ đã bị đối tượng sử dụng để nhận tiền lừa đảo. Cơ quan điều tra đề nghị những ai đã chuyển tiền vào các tài khoản trên liên hệ với cơ quan điều tra để cung cấp thông tin, phục vụ công tác điều tra xử lý vụ án.
Theo Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.