Mới đây, BIDV đã đưa thông tin cho biết, ngân hàng áp dụng giảm lãi suất với các khoản vay trung, dài hạn cá nhân mới, với mức giảm 0,6% và giảm 0,2% lãi suất với khách hàng vay tiêu dùng, mua ô tô. Theo đó, lãi suất năm đầu của BIDV áp dụng cho các khoản vay mua nhà là 6,2%; vay tiêu dùng, mua ô tô là 6,4%.
Hiện nay, khá nhiều nhiều ngân hàng đang áp dụng các gói vay ưu đãi, lãi suất thấp áp dụng cho kỳ hạn 1 - 3 năm đầu các khoản vay trung dài hạn (chủ yếu là vay mua, sửa nhà), như Shinhan Bank đang cho vay với lãi suất rất hấp dẫn, lãi suất 6,2% năm đầu tiên và cố định lãi suất 2 năm là 7,5%, cố định lãi suất 3 năm là 7,6%. Techcombank cũng đang áp dụng mức lãi suất khoảng 7,4% năm đầu cho mục đích vay mua nhà, sửa nhà.
Mức lãi suất cho vay nêu trên có thể coi là thấp nhất trong khoảng 10-15 năm trở lại đây ở trong nước. Việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuất phát từ thực tế "thừa vốn", tăng trưởng tín dụng thấp của các ngân hàng thời gian qua.
Do thừa vốn nên từ đầu năm đến nay các ngân hàng cũng không quá mặn mà với việc cạnh tranh lãi suất để hút vốn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính tới giữa tháng 3/2021, tăng trưởng huy động của các TCTD là 0,54% - rất thấp so với các năm trước đây (trừ năm 2020). Tuy nhiên, sự tăng mạnh trở lại của tín dụng 4 tháng đang đưa tới những dự báo về việc lãi suất sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2021 và cho rằng một số ngân hàng đã có dấu hiệu tăng lãi suất.
Cụ thể, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế đã tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Với diễn biến này, nhiều ý kiến cho rằng có thể sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động trung bình có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 5/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, với mức tăng lần lượt 0,004% và 0,002%, lên 4,82% và 5,64%. Hiện tượng tăng lãi suất diễn ra chủ yếu ở nhóm ngân hàng TMCP có quy mô vốn nhỏ với mức tăng lãi suất tiết kiệm lần lượt là 0,02% cho kỳ hạn 6 tháng và 0,01% đối với kỳ hạn 12 tháng, lên mức 5,4% và 6,02%.
Tuy nhiên, theo thống kê của Nhadautu.vn , lãi suất trong tháng 6 lại có xu hướng giảm ở khá nhiều ngân hàng ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Tính đến ngày 3/6/2021, không có nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất. Một số ngân hàng còn có xu hướng giảm lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng và 1 năm gồm: Ngân hàng Bản Việt (BVB), Eximbank, SHB, LienVietPostBank, SHB, SCB, BAB, SeABank. Mức lãi suất giảm phổ biến từ 0,2-0,5%. Chỉ một số ngân hàng có diễn biến tăng nhẹ khoảng 0,2% như SeABank, Techcombank, SacomBank. Xu hướng giảm rõ rệt hơn xu hướng tăng.
Bảng so sánh lãi suất huy động ngày 3/6/2021.
Tuy nhiên, hiện nay một số công ty chứng khoán nhận định rằng lãi suất về cuối năm chịu áp lực tăng từ 0,3-0,5%/năm.
Theo ước tính của SSI Research, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 13 - 14%. Hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào và mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay vẫn ổn định. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2021, cầu tín dụng và lạm phát có xu hướng tăng cao hơn sẽ khiến lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng từ 0,3 - 0,5%.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo, lãi suất có thể tăng nhẹ vào nửa cuối năm. Theo DVSC, tín dụng trong quý 1/2021 tăng nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng lên.
Dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đã được triển khai sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường quay trở lại nhịp điệu bình thường. Lưu ý là chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước và đạt mức tăng tháng 2 cao nhất trong vòng 8 năm gần đây. Trong thời gian ngắn, khả năng lãi suất tiền gửi chưa tăng trở lại nhưng khó giảm thêm và có thể tăng trong những tháng cuối năm.