SeABank mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 hết sức ấn tượng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm đạt 698,3 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của SeABank đạt 184.302 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; Tiền gửi khách hàng đạt 115.198 tỷ đồng, tăng 16,8%; Cho vay khách hàng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng. Tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh (TOI) của ngân hàng đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 48%so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống mức 40,8% so với mức 52,9% tại thời điểm cuối quý 1/2020.
Trước SeABank, một số ngân hàng cũng đã ước tính kết quả kinh doanh quý 1 khả quan với tăng trưởng lợi nhuận tính theo cấp số nhân.
Tại Đại hội cổ đông thường niên hôm 24/3, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB cho biết, cập nhật đến thời điểm hiện tại, tổng doanh thu thuần của ngân hàng đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Tỷ trọng thu nhập từ lãi đạt khoảng 85% và thu ngoài lãi khoảng 33,8%. Ước tính đến cuối quý 1, tiền gửi của MSB đạt 92.000 tỷ, tăng 11% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt xấp xỉ mức phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, tăng trên 9%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 9,9% và nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Lợi nhuận của MSB quý 1/2021 ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết MSB là một trong những ngân hàng chịu ít tác động nhất bởi dịch Covid-19 với dư nợ quá hạn cơ cấu lại theo Thông tư 01 ở mức thấp. Việc thoái lãi theo quy định của Thông tư 01 chỉ ở mức 42 tỷ đồng.
Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, MSB đã hoàn thành được 37% mục tiêu lợi nhuận cả năm (3.280 tỷ đồng). Lãnh đạo MSB cho biết nhìn vào tiến độ hiện tại, ngân hàng tự tin hoàn thành được mục tiêu này. Nhất là khi ngân hàng vừa hoàn tất ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền với bảo hiểm Prudential nhưng chưa ghi nhận khoản phí trả trước (Upfront fee).
Tại VietinBank, trong buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích hồi giữa tháng 3, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, ước tính lãi trước thuế quý 1/2021 của ngân hàng đạt khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng (chưa gồm phí upfront từ hợp đồng bancassurance với Manulife), cao hơn 135-175% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng 6-12% và huy động tăng 8-12%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. VietinBank lên kế hoạch lợi nhuận tăng 16-18%.
Nhìn chung, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng khá mạnh trong năm nay. Chẳng hạn, MSB và VIB cùng đặt mục tiêu tăng 30%, BIDV tăng hơn 40%, SHB tăng 70%, Eximbank tăng hơn 60%,…Sở dĩ đặt mục tiêu như trên là bởi các ngân hàng kỳ vọng về khả năng phục hồi kinh tế trong năm nay giúp tín dụng tăng trưởng khả quan. Đồng thời, các dự án chuyển đổi số sẽ giúp các nhà băng tối ưu hóa được chi phí hoạt động và chi phí huy động vốn. Các nguồn thu ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, kinh doanh bảo hiểm cũng được dự báo tăng trưởng khả quan trong năm nay, đem lại thu nhập ổn định cho ngân hàng.
Trong báo cáo mới đây, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu sẽ tăng từ 55% - 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, tăng khoảng 75% -85% so với cùng kỳ khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45% -55% so với cùng kỳ.
NIM quý 1/2021 sẽ được cải thiện, tăng 0,15% so với cùng kỳ 2020; thu nhập phí ở mức thấp ở hầu hết các ngân hàng trong quý 1/2020, ngoại trừ TCB, BID và VIB; Áp lực trích lập dự phòng thấp so với quý 1/2020 ở một số ngân hàng VCB, MBB và CTG.
Kết quả kinh doanh khả quan cũng là một trong những yếu tố giúp cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Trong quý 1/2021, 21 trong 26 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM ghi nhận cổ phiếu tăng giá, trong đó 10 mã tăng trên 20%, 5 mã tăng trên 50%.