Năm 2020 là một năm mà đa số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cao ở các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, bảo hiểm, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán,....Trong đó, nhiều nhà băng bất ngờ báo lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán tăng đột biến so với năm 2019.
Báo cáo tài chính của ACB cho thấy, trong năm 2020, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của nhà băng này đạt 732 tỷ đồng, cao gấp 13,5 lần mức đạt được năm 2019. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tăng mạnh 121% đạt 166 tỷ đồng. Theo đó, tỷ trọng đóng góp của hoạt động mua bán chứng khoán trên tổng thu nhập hoạt động tăng vọt từ 0,8% lên 5%.
Còn tại OCB, mua bán chứng khoán là mảng có tăng trưởng lãi cao nhất trong năm 2020. Lãi từ chứng khoán kinh doanh của nhà băng này tăng tới 6,4 lần so với năm trước và đạt 131 tỷ đồng, lãi từ chứng khoán đầu tư tăng 60% đạt 1.752 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý 4/2020, ngân hàng có lãi 954 tỷ từ mua bán chứng khoán, gấp 2,7 lần cùng kỳ.
Một số ngân hàng khác như VPBank, LienVietPostBank cũng ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán tăng trưởng cao. Cụ thể, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của VPBank tăng 46% so với năm 2019, đạt 1.170 tỷ đồng. LienVietPostBank có lãi đạt 138 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư năm 2020 trong khi năm 2019 bị lỗ 54 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ở một số ngân hàng nhỏ, chứng khoán đầu tư thậm chí là động lực tăng trưởng chính, cứu cánh cho các mảng hoạt động khác. Năm 2020, thu nhập lãi thuần của VietBank sụt giảm mạnh 53% chỉ đạt 573 tỷ đồng, các mảng kinh doanh khác như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối có lãi khả quan nhưng quy mô còn thấp. Trong khi đó, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng tăng tới 169%, đạt 834 tỷ đồng – cao hơn cả thu nhập lãi thuần và đóng góp tới 50% cho tổng thu nhập hoạt động.
Hiện chứng khoán đầu tư do các ngân hàng nắm giữ chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu, và các công cụ phái sinh có rủi ro thấp. Trái phiếu thường là loại giấy tờ có giá trị lớn trong danh mục chứng khoán đầu tư của các ngân hàng. Sản phẩm này có thể được phát hành bởi Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng,…Trong đó trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn, độ rủi ro cũng lớn hơn trong khi trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các TCTD lãi suất thấp, nhưng an toàn hơn. Thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán của các nhà băng chủ yếu đến từ việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp - vốn có lãi suất cao hơn nhiều so với trái phiếu TCTD. Năm 2020 cũng là năm ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với lượng phát hành, lãi suất cao hơn so với những năm trước.