Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm. |
Tăng lãi suất huy động
Sau Tết, nhiều ngân hàng công bố tăng lãi suất tiền gửi. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tích cực thu hút tiền bằng cách cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm số tiền từ 100 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng hoặc từ 30 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng trở lên bốc thăm trúng 100% bao lì xì mệnh giá 20.000 đồng, 60.000 đồng, 80.000 đồng...
Viet Capital Bank có mức lãi suất được điều chỉnh lên 8,3%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,3%/năm so với cuối năm ngoái và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng ở mức 8,5%/năm; Ngân hàng Đông Á áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,6%/năm, lên mức 6,9%/năm so với cuối năm ngoái.
NCB triển khai chương trình khuyến mãi Tết “Năm mới an khang - Xe sang chờ đón”.
Techcombank ngay sau Tết Nguyên đán cũng nhích nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 7,1% ở kỳ hạn 18 tháng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng cho thấy mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng hiện phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.
Theo như chia sẻ mới đây, phía NHNN cho rằng việc tăng lãi suất này chỉ là cục bộ, tạm thời. Còn hiện nay, với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là nghiệp vụ thị trường mở nhằm bảo đảm thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống sẽ tiếp tục ổn định.
Lãi suất cho vay khó giảm?
Việc nhiều ngân hàng tích cực đẩy mạnh việc hút vốn vào hệ thống đang dấy lên một điều lo ngại là khi chi phí giá vốn đầu vào tăng có thể tác động đến lãi suất cho vay đầu ra hoặc tăng hoặc không giảm như kỳ vọng. Theo các chuyên gia thì việc tăng lãi suất huy động không có ảnh hưởng nhiều tới việc giảm lãi suất cho vay.
Riêng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giảm lãi suất cho vay nên nhìn từ nhiều phía. Nếu như các doanh nghiệp hoạt động tốt đều đã được các ngân hàng thương mại “mời chào” với mức lãi suất thấp kèm nhiều dịch vụ ưu đãi. Hiện tại, chênh lệch giữa chi phí vốn và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng Việt Nam khoảng 2,4%, thực tế đang ở mức rất thấp.
Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm.
Với Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/1/2018, NHNN đã chỉ đạo toàn hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiệm vụ kế hoạch ngành ngân hàng. Trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
“Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính” - bà Hồng nói.
Ngay sau khi cuộc họp đầu năm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc, một số “ông lớn” trong ngành ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, Agribank cho biết, từ ngày 10/1/2018, thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay cả ngắn hạn và trung hạn cho các đối tượng theo hướng dẫn của NHNN và các doanh nghiệp được xếp loại A; Ngân hàng VietinBank cho biết, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, ngay sau hội nghị này VietinBank sẽ có chương trình giảm lãi suất. Vietcombank cũng cam kết sau hội nghị sẽ tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động để giảm lãi suất 0,5%/năm cho 5 lĩnh vực ưu tiên đối với cho vay ngắn hạn.
Vân Lam