Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.
Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là quy định “Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán”.
Dù mới chỉ lấy đang lấy ý kiến, nhưng dự thảo này đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia khi cho rằng, nhiều ngân hàng hiện nay vẫn đang “ôm” một phần lãi ảo. Và đã là lãi ảo thì không thể cứ đem đi chia cổ tức bằng tiền.
“Cục nợ” vẫn nằm ở VAMC
Quay ngược trở về quá khứ, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vốn đã phát sinh và tích tụ từ lâu, nhưng bắt đầu được quan tâm đặc biệt từ cuối năm 2011 khi yêu cầu tái cơ cấu đặt ra. Đây cũng là năm đầu tiên Ngân hàng Nhà nước chủ động công bố tỷ lệ nợ xấu được nhận diện đầy đủ hơn trong các nhà băng.
Trước đó, thị trường và công chúng vẫn quen với mức độ nợ xấu toàn hệ thống chỉ quanh 3%. Nhưng với yêu cầu tái cơ cấu, nhận diện đầy đủ hơn, quy mô thực từng được công bố và xác định tại tháng 9/2012 lên tới 17,21%.
Mức độ quá lớn trên đòi hỏi một lượng trích lập dự phòng rất lớn, mà nếu dồn ép trích đủ có thể dẫn tới quá sức tại nhiều ngân hàng thương mại. Giải pháp VAMC ra đời. Một lượng lớn nợ xấu chuyển qua đây, cùng với một lượng cũng khá lớn được cơ cấu mà không phải chuyển nhóm theo cơ chế của Quyết định 780 khi đó.
Từ tháng 10/2013, VAMC bắt đầu mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhưng phải hai năm sau, cao điểm lượng mua mới thực sự thể hiện vào năm 2015, để rồi tỷ lệ nợ xấu tại nhiều nhà băng báo cáo chỉ còn quanh 3%.
Đáng chú ý là, với tỷ lệ nợ xấu báo cáo giảm mạnh, lợi nhuận hệ thống cũng bắt đầu phục hồi trên nền tảng đó mà chưa cân đối trích lập một cách đầy đủ như các chuẩn mực thông thường với phần nợ xấu nằm tại VAMC.
Theo đó, đây cũng là giai đoạn Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện cơ chế giám sát chính sách trả cổ tức cụ thể hàng năm của mỗi nhà băng. Điều này hàm ý một phần lãi ảo chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nợ xấu, cũng như để chặn tình trạng phần lãi đó bị chia đi (?).
Lợi nhuận vẫn đang “nợ” trích lập dự phòng
Quay trở lại câu chuyện lợi nhuận. Khi bán nợ cho VAMC, tổ chức tín dụng sẽ được hưởng một số cơ chế liên quan.
Cụ thể, VAMC phát hành và dùng trái phiếu đặc biệt để mua lại nợ xấu các ngân hàng. Trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, các ngân hàng được giãn trích lập dự phòng trải đều qua từng năm kỳ hạn trái phiếu.
Theo đó, thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro 100% ngay cho những khoản nợ xấu, hoặc một tỷ lệ cao hơn 20% tuỳ mức độ quá hạn của mỗi khoản nợ xấu bán sang VAMC như thông thường, thì ngân hàng được cơ chế trích lập dự phòng rải ra trong 5 năm, mỗi năm 20%.
Cũng vì chưa phải trích lập dự phòng rủi ro ngay toàn bộ cho lượng nợ xấu đã bán sang VAMC, cho những khoản lẽ ra phải thực tế trích lập cao hơn, nên một phần lợi nhuận những năm vừa qua và hiện nay của nhiều ngân hàng vẫn đang “nợ” ở đây, không bị cắt bớt như trích lập thông thường. Và con số “nợ” này không hề nhỏ.
Tổng hợp báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 của 21 ngân hàng đã công bố cho thấy, tổng giá trị số trái phiếu VAMC đang nắm giữ là hơn 109.327 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm trước.
Số liệu trên chưa bao gồm con số trái phiếu VAMC của BIDV do chưa công bố báo cáo kiểm toán, ước khoảng hơn 20.000 tỷ đồng và Agribank.
Trong khi đó, dự phòng cho số trái phiếu này chỉ ở mức 19.432 tỷ đồng, tương đương 17,8% tổng giá trị trái phiếu.
Dù vậy, ở khía cạnh tích cực, trong số 21 ngân hàng khảo sát, thì có tới 12 ngân hàng đã giảm nợ tại VAMC (tương đương 57,1%), với mức giảm từ 7-32% so với cuối năm trước.
Đáng chú ý, tính đến thời điểm cuối năm 2018, đã có 5 ngân hàng đã sạch nợ tại VAMC, bao gồm Vietcombank, Techcombank, MBBank, OCB và VIB. Điều này cũng góp phần hạn chế yếu tố lãi ảo, vốn đang làm “đau đầu” nhà quản lý.
Như đã phân tích, việc dự thảo trên hướng đến quy định ngân hàng không được trả cổ tức bằng tiền khi chưa sạch nợ tại VAMC có thể sẽ khiến một số cổ đông không hài lòng. Nhưng điều này được cho là cần thiết trong quá trình tái cơ cấu và tăng chủ động nguồn lực xử lý nợ xấu, trong thực tế vẫn còn phần lãi ảo.