Theo nguồn tin từ báo Đồng Nai, UBND tỉnh này lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về dự thảo tách thửa đất để khắc phục những hạn chế trong quản lý, sử dụng đất. Vấn đề các địa phương quan tâm nhất là quy định mới phải ngăn chặn được tình trạng tách nhỏ thửa đất nông nghiệp rồi lén lút xây dựng trái phép.
Ngày 8/6/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm áp dụng, quy định trên có nhiều điểm không còn phù hợp và vẫn có những kẽ hở để một số tổ chức, cá nhân "lách" luật, tách nhỏ đất nông nghiệp để mua đi bán lại kiếm lời.
Từ khi những dự án hạ tầng giao thông lớn cấp quốc gia, vùng trên địa bàn tỉnh được triển khai, đất đai của Đồng Nai trở nên có giá trị hơn; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh đầu cơ vào đất đai ngày càng nhiều. Trong đó, đất nông nghiệp được mua đi bán lại và tách thửa nhiều nhất khiến các địa phương rất lo lắng và nặng gánh trong việc quản lý đất đai vì tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thường xuyên xảy ra.
Ở huyện Xuân Lộc, việc ngăn chặn người dân tách nhỏ đất nông nghiệp là không thể, vì theo quy định của UBND tỉnh, đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn diện tích tối thiểu để tách thửa là 1 ngàn m2, khu vực đô thị là 500m2. Căn cứ vào quy định trên, nhiều người dân đầu cơ đất đã tách đất nông nghiệp thành nhiều thửa nhỏ với diện tích tối thiểu.
Tương tự, các huyện: Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Định Quán... cũng gặp trường hợp như H.Xuân Lộc. Những thửa đất nông nghiệp được tách nhỏ nếu chính quyền các xã, phường, thị trấn chỉ cần lơ là trong quản lý sẽ xuất hiện ngay các công trình xây dựng trái phép. Đặc biệt, những khu vực có đông công nhân, người lao động từ nơi khác đến sinh sống, có trường hợp 10-15 người cùng sở hữu một thửa đất khoảng 1 ngàn m2, nhiều người cho rằng đây là hình thức phân lô, bán nền trá hình.
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường, qua rà soát, tại Đồng Nai có nhiều trường hợp nhiều người đồng sở hữu 1 thửa đất nông nghiệp, cá biệt có trường hợp đến 40 người đồng sở hữu 1 thửa đất nông nghiệp khoảng 1 ngàn m2. Trước bất cập này, Sở sẽ góp ý trong Luật Đất đai sửa đổi tới đây để có biện pháp hạn chế tình trạng trên.
Trong 5 năm tới, Đồng Nai sẽ phát triển nhiều khu công nghiệp, dự tính đến năm 2025 sẽ thu hút thêm khoảng 450 ngàn lao động đến làm việc trong các khu công nghiệp. Như vậy, trong các khu công nghiệp của tỉnh sẽ có hơn 1 triệu lao động, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở. Vì thế, nếu không có giải pháp quản lý chặt chẽ việc tách nhỏ các thửa đất nông nghiệp rất dễ dẫn đến xây dựng trái phép.
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn trường hợp tách nhỏ các thửa đất nông nghiệp ở diện tích tối thiểu. Đại diện một số sở, ngành cho rằng, các địa phương muốn ngăn chặn xây dựng trái phép từ những thửa đất nông nghiệp bị tách nhỏ nên chú ý những trường hợp đồng sở hữu nhiều người trên cùng một diện tích nhỏ. Vì các trường hợp mua đất kiểu đó đa số là để xây dựng nhà ở, không quản chặt sẽ hình thành các khu dân cư tự phát, kéo theo hàng loạt hệ lụy khác như hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, ngập lụt...
Liên quan đến vấn đề đất nông nghiệp ở các địa phương bị tách thành nhiều thửa nhỏ, chuyển nhượng cho nhiều người đồng sở hữu dẫn đến xây dựng trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu: "Sở TN-MT xem xét ghi rõ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với những thửa đất nông nghiệp tách thửa là: tuyệt đối không được xây dựng công trình trên đất này, nếu xây dựng công trình sẽ áp dụng ngay hình thức cưỡng chế để trả lại nguyên hiện trạng. Ghi chú rõ như vậy, người mua đất với ý định xây dựng nhà trên đất nông nghiệp sẽ từ bỏ, các địa phương bớt áp lực trong tách thửa đất nông nghiệp rồi xây dựng trái phép".