Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua khá nhiều người lao động bày tỏ sự tiếc nuối khi đã nhận BHXH một lần, sau lại mong muốn được nộp lại số tiền BHXH một lần đã nhận và đóng tiếp BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và có thẻ BHYT miễn phí chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên quy định hiện hành không cho phép người lao động được nộp lại khi đã nhận tiền BHXH. Mặc dù vậy, vẫn có những bất cập mà người lao động mong muốn sửa đổi để họ yên tâm ở lại hệ thống BHXH, tiếp tục đóng để chờ đến ngày nhận lương hưu.
Chị Lê Thị Hóa, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, từng làm cho một công ty trong thành phố Hồ Chí Minh được 10 năm 10 tháng. Khi dịch Covid 19 ập đến, chị Hóa phải nghỉ việc, chồng chị cũng mất việc sau đó. 2 vợ chồng trở về quê làm công việc tự do. Đến cuối năm ngoái, chị Hóa xin rút BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt. Cứ nghĩ đơn giản là có một khoản để lo cho cuộc sống nhưng khi nhìn cha mẹ mình không có lương hưu, không có BHYT đi khám chữa bệnh, chị Hóa cảm thấy hối tiếc muốn đóng lại toàn bộ khoản tiền đã rút nhưng không được chấp nhận bởi quy định của pháp luật. Vì vậy, chị Lê Thị Hóa quyết định tham gia BHXH tự nguyện từ đầu. “Lúc đi rút thì tôi cứ nghĩ là mình vẫn còn trẻ, mình làm công ty khác mình sẽ đóng lại nhưng rút xong mới thấy hối hận vì quá trình mình đóng đã dài rồi, giờ quay lại từ đầu thì cũng là vấn đề khó khăn hơn”.
Cũng gần giống trường hợp chị Hóa, chị Hoàng Thị Thịnh, thôn Văn Phú, Quảng Văn, Ba Đồn cũng xin rút BHXH một lần được hơn 40 triệu đồng. Với số tiền đó, chị sửa sang nhà cửa và kinh doanh tự do, thu nhập bấp bênh chưa đến 2 triệu đồng/tháng, trong khi đó còn phải mua BHYT để dành lúc ốm đau. Lúc này, chị Thịnh mới hiểu rút BHXH một lần không chỉ đơn giản là mang tiền về, mà còn là từ bỏ lương hưu. Tuy nhiên, khi rút BHXH một lần, chị Thịnh cũng không được tư vấn kỹ về những thiệt hại khi rời bỏ hệ thống BHXH.
“Ngày làm trong Sài Gòn, cứ nghĩ mình làm công nhân, hàng tháng có thể đóng liền được, chứ về quê không biết làm nghề gì để đóng tiếp và tôi cũng không hiểu rõ lắm cộng thêm kinh tế chưa ổn định nên rút về”- chị Thịnh chia sẻ.
Nhiều người rút BHXH vì cuộc sống quá khó khăn, tài chính kiệt quệ, nhưng không ít người lại có tâm lý cứ rút để cầm tiền về cho chắc, thậm chí chỉ để tiêu dùng cho nhu cầu cá nhân, nhất là những người còn trẻ. Nhiều người rút BHXH một lần, ngay sau đó có tâm lý tiếc nuối, muốn nộp lại tiền đã rút. Tuy nhiên, một số người cho rằng, ngoài những chính sách ưu việt đang có và sắp sửa đổi thì vẫn còn những bất cập khiến họ chưa mặn mà tham gia BHXH như thời gian chờ hưởng lương hưu quá dài sau khi đóng đủ số năm, các chế độ chưa thực sự hấp dẫn người tham gia như một số loại hình bảo hiểm thương mại... Chị Nguyễn Thu Hương, ở Hà Nội cho rằng: “Đến 55 tuổi mới được nhận lương hưu mà bản thân mình ốm đau bệnh tật, biết thế nào được nên quyết định dừng tham gia BHXH. Kể ra mà đóng được 18-20 năm mình còn cố gắng xoay sở chứ mới đóng được mấy năm nên cũng chẳng tha thiết gì”.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm nay, có 302.000 lao động đã rút BHXH một lần, dù con số có giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn con số bình quân hàng năm. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, người lao động thường rút BHXH một lần đối với những trường hợp đóng dưới 10 năm.Theo điều tra xã hội học, thì có đến hơn 61% người lao động sẵn sàng nhận BHXH một lần, kiên quyết không rút chỉ có hơn 31% và không bày tỏ ý kiến là gần 8%. Nguyên nhân chủ yếu là thu nhập thấp, không có tích lũy, công việc bấp bênh và không có niềm tin dài hạn vào chính công việc mình đang làm:
“Chính sách BHXH không đứng riêng lẻ, độc lập mà nó phải kèm theo rất nhiều các chính sách khác. Khi người lao động, nhất là người lao động trong ngành dệt may, da giày, điện tử thì có thể thấy, gần như 40 tuổi là nguy cơ họ đã phải chấm dứt hợp đồng lao động. Khi họ thấy rằng thời gian họ đóng BHXH mà đủ 20 năm thì là khó đủ kiên trì để thực hiện theo quy định. Cho nên đấy là một trong những lý do mà họ rút BHXH một lần. Thêm nữa là niềm tin vào công việc, họ biết rằng có khi mấy năm nữa mình phải nghỉ rồi, nhận thức về lợi ích thường là chỉ thấy lợi ích trước mắt”.
Còn theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sau 6 năm thi hành Luật BHXH, bên cạnh những kết quả đạt được, nay đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Đó là thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu với tỉ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Khi đóng đủ số năm còn phải chờ đến tuổi nghỉ hưu mới được nhận lương hưu. Nếu đến 40 tuổi, đã đóng đủ 20 năm thì phải chờ thêm 20 nữa mới được nhận lương hưu, điều này khiến nhiều người không chờ được, chọn rút BHXH một lần. Đối với người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản nên chưa đủ hấp dẫn người tham gia…Chính vì vậy, Bộ đang tập trung nghiên cứu các chính sách theo hướng giảm dần năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm và nhiều chính sách khác nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Theo ông Nam, mục đích việc điều chỉnh này là tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Để khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH, cần những quy định để hạn chế việc rút BHXH một lần, quy định khoảng thời gian được phép bảo lưu song phải tăng quyền lợi lâu dài mà không tác động lớn đến tâm lý người lao động.
“Khi quyết định hưởng BHXH một lần, người lao động cho rằng thời gian đóng quá dài. Do đó, trong những định hướng sửa luật này sẽ giảm điều kiện thời gian đóng xuống. Ngoài ra, tính linh hoạt trong thực hiện các chính sách như: đóng BHXH tự nguyện, không cần quan hệ lao động, tôi vẫn có thể tham gia hoặc là tôi có thể đóng một lần cho số năm đóng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đấy là những định hướng trong việc hoàn thiện nhằm khuyến khích người lao động yên tâm bảo lưu thời gian đóng nếu như chấm dứt các quan hệ lao động thay vì việc lựa chọn hưởng BHXH một lần. Rõ ràng là trong đóng - hưởng thì thực sự người lao động đang hưởng hơn rất nhiều so với họ đóng góp, tỷ lệ hưởng lương hưu lên đến 75% trong khi đóng chỉ có 22% thôi”.
Một con số rất đang lo ngại là trong số hơn 13 triệu người già hiện nay thì gần 10 triệu người không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh. Việc người lao động rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất, dẫn đến rủi ro trong tương lai. Đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH và đảm bảo an sinh xã hội đất nước. Do đó, khi sửa đổi Luật BHXH, cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH một lần nhằm đảm bảo các chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội và khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH.