Ngày 18/2, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết vừa tiếp nhận hàng loạt trình báo của các bị hại về việc bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, nổi lên là tình trạng các đối tượng mạo danh ngân hàng và sử dụng mạng xã hội, mạng internet để dẫn dắt con mồi vào bẫy...
Theo Trung tá Trần Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Thanh Khê, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng. Từ cuối tháng 1/2022 đến nay, Công an quận và Công an các phường trên địa bàn đã tiếp nhận hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng. Trong đó, có ngày liên tục xảy ra 2-3 vụ.
Điển hình ngày 7/2 vừa qua, anh N.H.T (SN 1995, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang có việc ở quận Thanh Khê thì có tin nhắn của Ngân hàng Vietcombank gửi đến với nội dung tài khoản của anh đã bị khóa và kèm theo một đường link www.vcbdivbink.com đăng nhập để xác thực. Anh T làm theo hướng dẫn, bao gồm cả việc nhập mã OTP theo yêu cầu của kẻ gian thì số tiền 10 triệu đồng trong tài khoản của anh T đã bị chiếm đoạt, chuyển đi tài khoản của kẻ gian ở ngân hàng khác.
Chiều cùng ngày, chị N.T.T.T (SN1997, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang làm việc tại cơ quan ở đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê thì cũng nhận được tin nhắn mạo danh Vietcombank thông báo tài khoản của chị T đã bị khóa do có dấu hiệu bị xâm nhập, đồng thời đề nghị chị T đăng nhập vào trang web www.vcbink để xác thực lại mật khẩu. Chị T làm theo hướng vẫn của đối tượng, bao gồm cả việc nhập mã OTP theo yêu cầu của kẻ gian. Ngay sau đó, số tiền hơn 45 triệu đồng trong tài khoản của chị T đã bị kẻ gian chiếm đoạt.
Tương tự, sáng 8/2, chị N.T.V (SN 1982, trú đường Phan Thanh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cũng nhận được tin nhắn mạo danh Vietcombank với nội dung thông báo tài khoản của chị bị tạm khóa do nhiều lần đăng nhập sai mật khẩu và đề nghị chị V đăng nhập vào trang web www.vcbink.com để xác nhận lại tài khoản. Tưởng thật, chị thực hiện theo các hướng dẫn và mất số tiền 49 triệu đồng. Đến trưa, chị T tiếp tục nhận được tin nhắn với nội dung giống như lần trước nhưng biết mình bị lừa nên chị điện báo tổng đài Vietcombank tạm khóa tài khoản của mình.
Cũng trong ngày 8/2, Công an phường Tân Chính, quận Thanh Khê đã tiếp nhận tin báo của các bị hại là N.T.T, P.L.T.N, P.M.T về việc bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn mạo nhận ngân hàng Vietcombank gửi tin nhắn thông báo tạm khóa tài khoản vì lý do bảo mật kèm theo đường link www.vcbink và đề nghị khách hàng đăng nhập để đổi mật khẩu. Cũng như chị T và chị V, những bị hại này cũng làm theo hướng dẫn trên trang web và bị chiếm đoạt số tiền 85 triệu đồng.
Mặc dù thời gian qua, Cơ quan Công an đã phát hiện, điều tra, xử lý hàng loạt vụ việc đối tượng có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, loại tội phạm này vẫn hoạt động mạnh. Lợi dụng đặc thù của mạng xã hội, mạng viễn thông, các đối tượng có thể tiếp cận với nhiều người để thực hiện hành vi lừa đảo, đồng thời triệt để lợi dụng tính năng nặc danh của Internet, sử dụng các phần mềm bảo mật, đặt máy chủ ở nước ngoài và sử dụng những phương thức, thủ đoạn tinh vi khác gây nhiều khó khăn cho cơ quan Công an trong quá trình điều tra, xử lý.
Sau khi chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của các bị hại, đối tượng lừa đảo nhanh chóng chuyển tiền trong tài khoản qua nhiều tài khoản mạo danh khác để rút tiền mặt tại các trụ ATM hoặc chuyển lòng vòng vào các ví thanh toán để xóa dấu vết, khiến việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, Công an quận Thanh Khê nói riêng, Công an TP Đà Nẵng nói chung đã điều tra, làm rõ, bắt giữ nhiều đối tượng về hành vi lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tuy vậy, loại tội phạm này không hề giảm đi. “Khi nhận được tin nhắn từ hệ thống ngân hàng, phải kiểm tra người gửi tin nhắn có phải của hệ thống ngân hàng hay không? Tuyệt đối không đăng nhập vào đường link lạ không phải trang web chính thức của ngân hàng. Không nhập số tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai, bất kỳ trang web nào. Không làm theo hướng dẫn của người tự xưng cán bộ ngân hàng giao dịch qua điện thoại…”, Trung tá Trần Văn Tuấn khuyến cáo.
Cùng với các vụ mạo danh ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như đã nói ở trên, sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, Công an quận Thanh Khê cũng tiếp nhận, xử lý nhiều vụ lợi dụng mạng xã hội, mạng viễn thông để lừa đảo. Trong số các bị hại, có chị N.P.C (SN 1989, trú đường Võ Văn Tần, phường Chính Gián, quận Thanh Khê).
Ngày 8/2, chị C vào mạng xã hội tìm việc làm thì có tài khoản Facebook Hoàng Kim Hoa nhắn tin đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đối tượng đề nghị chị C kết bạn Zalo có số điện thoại 0565922364 để tiện trao đổi, sau đó đồng ý tiếp nhận chị C làm nhân viên thu mua sản phẩm qua hình thức online cho một công ty có địa chỉ tại đường Lê Duẩn, quận Thanh Khê.
Đối tượng đề nghị chị C đã đặt mua nhiều mặt hàng trên một số trang web và chuyển tiền của mình để thanh toán trước. Khi hàng được gửi về, công ty sẽ chuyển trả số tiền này cùng với hoa hồng cho chị C. Cả tin, chị C đã chuyển số tiền gần 78 triệu đồng để mua hàng nhưng thực tế đã chuyển tiền vào tài khoản của kẻ gian, sau đó đối tượng này hủy kết bạn, chặn Zalo, Facebook của chị C. Cũng tin tưởng các giao dịch trên mạng xã hội, chị N.T.T.T (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cũng bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt số tiền đặt phòng khách sạn 17 triệu đồng…
Ngoài Công an quận Thanh Khê, hiện Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng và Công an các quận huyện cũng tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi lợi dụng mạng xã hội, mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Công an TP Đà Nẵng cũng đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền với người dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là loại tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
(Theo Công An Nhân Dân)