Thống kê của Similarweb tháng 11 cho thấy, lượng truy cập vào website của Pi Network tăng 2,52% so với tháng trước. Mức tăng này chủ yếu đến từ người Việt. Cụ thể, tỷ lệ truy cập từ các địa chỉ IP trong nước tăng tới 58% trong tháng 11, đưa Việt Nam nhảy lên vị trí thứ 4 toàn cầu về lượng truy cập đến website này. Trong khi đó, lượng tuy cập từ Mỹ, Ukraine chỉ tăng nhẹ và từ Nga còn giảm mạnh.
Thảo luận về Pi trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok cũng xuất hiện rầm rộ trở lại. Các hội nhóm Pi Network bắt đầu hoạt động sôi nổi trở lại trong thời gian dài im ắng.
Ứng dụng Pi Network từ vị trí ngoài top 100, trong tháng 11 vươn lên thứ 7 trên Play Store và thứ 13 trên App Store Việt Nam về số lượt tải, theo Similarweb.
Nhiều người "đào Pi" cho biết, người dùng quan tâm Pi trong thời gian gần đây khi có tin dự án này sắp chạy "mainnet". Được biết đây là giai đoạn khởi chạy chính thức của một mạng lưới, sau giai đoạn thử nghiệm (Testnet). Trong lộ trình phát triển được công bố, Pi chia làm ba giai đoạn, gồm giai đoạn thiết kế, thử nghiệm trên Testnet, và giai đoạn chính thức Mainnet.
Hồi đầu năm nay, Pi Network "gây sốt" tại Việt Nam với lượng người tham gia rất lớn vì việc "đào Pi" không giống như các loại tiền ảo khác là cần đến dàn máy khủng. Việc "đào Pi" hết sức đơn giản, có thể thực hiện trên điện thoại thông minh, chỉ cần "điểm danh" hàng ngày để tăng Pi. Ngoài ra, người dùng có thể tăng tỷ lệ nhận Pi bằng cách mời thêm bạn bè tham gia vòng tròn bảo mật.
Nhiều chuyên gia lĩnh vực blockchain cũng từng lên tiếng cảnh báo về tính minh bạch của Pi Network và nhiều điểm đáng ngờ của dự án này. Ngoài quy trình KYC, Pi Network còn yêu cầu thu thập một lượng dữ liệu lớn của người dùng như Sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ lưu trữ USB, Xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi, Đọc danh bạ hay Nhận dữ liệu từ Internet...Điều này đặt ra câu hỏi về rủi ro lộ thông tin cá nhân khi người dùng bất chấp tham gia "đào Pi coin".
Hồi tháng 5, Pi tiếp tục gây tranh cãi khi trên diễn đàn dành cho hacker, một tin tặc đã đăng bán 17 GB dữ liệu cá nhân KYC (Know Your Customer) của người dùng Việt Nam với nhiều ảnh chụp chứng minh thư nhân dân (CMTND), căn cước công dân (CCCD), sổ hộ khẩu, ảnh selfie… Tin tặc đòi 9.000 USD cho toàn bộ dữ liệu và tiết lộ có được số thông tin này thông qua Pi Network.
Sau sự vụ này, không ít người chơi Pi đã tỏ ra lo lắng và bắt đầu cân nhắc việc có nên tiếp tục tham gia vào nền tảng này nữa hay không. Từ đó, hoạt động của các hội nhóm về Pi trên mạng xã hội cũng có phần trầm lắng hơn, và đến gần đây lại bắt đầu rầm rộ trở lại.
Đến hiện tại, Pi vẫn chưa có giá trị, chưa thể đổi ra tiền và người đào cũng không thể rút Pi. Dù vậy, nhiều người "chơi Pi" vẫn kỳ vọng đồng tiền ảo này sẽ có giá trị trong tương lai, giúp họ giàu nhanh chóng từ con số 0.