Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết Nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.949 tài khoản chứng khoán trong tháng 3/2020, con số cao nhất trong vòng 2 năm qua. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 31.832 tài khoản và nhà đầu tư tổ chức mở mới 117 tài khoản. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 3 vừa qua chỉ xếp sau con số kỷ lục 40.651 tài khoản được thiết lập vào tháng 3/2018 khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Là những người chứng kiến sự kiện "thiên nga đen" Covid-19 đã gây tác động ra sao đến thị trường chứng khoán, chúng tôi vui vì con số thống kê đó. Ít nhiều, người dân Việt đã và đang nhận thức được các cổ phiếu Việt đã bị định giá rẻ mạt trong khủng hoảng và dồn tiền mua cổ phiếu. Họ đặt niềm tin vào tương lai, rót tiền đầu tư cho tương lai.
Dù vui cho thị trường chứng khoán vì dòng tiền mới từ những người mới gia nhập thị trường sẽ giúp thị trường bình ổn nhưng, chúng tôi muốn nói rằng: Đa phần những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường mang theo hành trang là dòng tiền mới và niềm tin trong khi đó, thị trường chứng khoán đầy rẫy phức tạp.
Tuyến bài viết Những kinh nghiệm đầu tư cơ bản cho nhà đầu tư mới bước vào thị trường chứng khoán đăng dịp Covid-19 này là món quà chúng tôi dành cho những nhà đầu tư số 0 đã, đang và sẽ rót những khoản tiền mồ hôi nước mắt của mình vào thị trường chứng khoán. Chúng tôi mong, nhà đầu tư có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để không bị đau vì thị trường chứng khoán và kiếm được nhiều tiền.
Một em sinh viên, có lẽ là sinh viên kinh tế, vai mang balô, chân đầy tự tin bước vào cổng công ty chứng khoán. Không chút rụt rè, điền đơn mở tài khoản. Trên trường, nếu là sinh viên kinh tế, em sinh viên ắt đã được dạy đủ điều. Hết lý thuyết cổ phiếu là gì, thị trường là gì. Tôi dám cá, em sinh viên có thể đọc vanh vách những thứ trong sách vở tốt hơn cả một nhà đầu tư 2-3 năm kinh nghiệm trên thị trường. Tốt cho em.
Một bác gái, cũng lớn tuổi rồi, tầm trên dưới 60 tuổi, chắc đã về hưu. Bác đã có một đời làm việc, có tiền tích lũy. Bác cũng tự tin lắm. Người có tiền, có quyền quyết định đồng tiền của mình thì có lý gì không tự tin. Bác cũng mở tài khoản chứng khoán.
Một anh nhân viên công sở, dáng vẻ cũng vội vàng, đến công ty chứng khoán vào những phút cuối giờ làm việc buổi sáng. Có lẽ, anh đang tranh thủ rời công ty trong đôi phút cho việc riêng. Anh cũng mở tài khoản. Anh cầm hết mấy tờ quảng cáo, hướng dẫn giao dịch gì đó trên bàn tiếp tân, nhét vội vào túi và đi ra. Nhanh quá, cũng không kịp nhìn mặt để bắt hình dong quá kỹ.
Đó là những cảnh không hiếm gặp thời chứng khoán bùng nổ năm 2008-2009.
Những ngày này, dịch bệnh Covid-19 lan nhanh nên chuyện mở tài khoản trực tiếp tại công ty chứng khoán không phải là phương án duy nhất nhưng bù lại, những nỗ lực online của các công ty chứng khoán cũng giúp cho những em sinh viên, bác hưu trí hay anh nhân viên công sở dễ dàng mở được tài khoản cho mình. Thế giới phẳng cũng giúp những nhà đầu tư mới tiếp cận thị trường dễ dàng hơn trong việc thực hiện giao dịch online.
Kiến thức của một sinh viên đại học đã đủ để đầu tư chứng khoán chưa? Thực tế là chưa. Thị trường tài chính là thị trường hết sức phức tạp. Những điều sách vở nói thì đâu đó chúng ta sẽ gặp lại trong suốt quãng đời đầu tư nhưng nó không phải là ông thầy, người cha dẫn dắt từng bước trên đường đời để tránh vấp ngã. Sách sẽ không dạy bạn mua cổ phiếu nào, sách chỉ dạy bạn cổ phiếu dạng nào nên mua. Dù lắm tự tin và dành cả nhiều tháng tiền lương làm thêm, tiền bố mẹ chu cấp, cậu sinh viên cũng không thể nào thoát nổi khỏi những bão tố của thị trường.
Bác gái cũng đầy tự tin với đồng tiền kiếm được và nay, với thời gian nhàn rỗi đáng kể của tuổi nghỉ ngơi, đầu tư chứng khoán sẽ thế nào? Kinh tế biến động khôn lường, công nghệ cũng biến động quá nhanh, đâu đó, lớp lớp những người nhiều tiền hơn, trẻ hơn, năng lực công nghệ tốt hơn….đang ồ ạt bán cổ phiếu mà Bác gái đang nắm giữ còn bác gái vẫn đang cố đọc, cố tìm thông tin trong mớ hỗn độn thông tin của thời đại công nghệ thông tin. Họ tung những tin quá rẻ để mua theo cách để Bác gái và những người như bác có thể nghe được. Nếu không nằm trong số ít đã trang bị đủ kinh nghiệm thị trường trước tuổi về hưu thì bác gái sẽ thành nơi để những người nắm bắt biến động thị trường tốt hơn kiếm lãi.
Anh nhân viên công sở cũng vậy. Có lẽ, anh chưa từng học qua thị trường chứng khoán là gì. Thấy người người, nhà nhà bảo kiếm tiền trên thị trường chứng khoán dễ lắm. Sức dài, vai rộng cùng ước mong có thêm chút thu nhập nuôi gia đình khiến anh bước vào thị trường.
Ai cũng có điểm khởi đầu để vào thị trường chứng khoán. Những người may mắn thì được các anh, chị, người thân của họ dẫn dắt vào thị trường. Người dẫn dắt sẽ truyền những kinh nghiệm thiết thân để tránh phải trả giá quá nhiều trong quá trình đầu tư.
Số người may mắn đó, chỉ chiếm tỷ lệ % rất nhỏ. Phần đông người chơi chứng khoán chúng tôi tạm gọi là Nhà đầu tư số 0.
Số 0 bởi họ bước vào thị trường bằng con số 0 hoặc gần bằng 0 về nhận thức về thị trường, và tất nhiên, cũng số 0 kinh nghiệm, số 0 nữa là không người dẫn dắt.
Những nhà đầu tư số 0 này cứ thế dọ dẫm trên thị trường. Đôi khi, may mắn cho họ có chút lãi. Lắm khi thua lỗ.
Con đường của nhà đầu tư số 0 đến thị trường chứng khoán thường là: Nghe đâu đó thị trường chứng khoán bị giảm sâu vì dịch Covid-19 trong khi Chính phủ đang làm rất tốt công tác phòng chống dịch, hẳn thị trường chứng khoán có nhiều cơ hội => muốn vào thị trường => mở tài khoản giao dịch => có thể sẽ gặp được môi giới hoặc hoàn tất mọi khâu mở tài khoản ở đó và bắt đầu giao dịch => nếu gặp môi giới, họ được tư vấn sơ qua về cách thức giao dịch....(rất sơ đẳng) => bắt đầu rót tiền vào chứng khoán mà không biết công ty họ đầu tư vuông méo thế nào, kinh doanh ra sao....
Những người đầu tiên họ gặp, dẫn dắt họ vào thị trường chứng khoán có lẽ là những người môi giới. May mắn thì họ sẽ gặp được những người môi giới tận tâm với mong muốn khách hàng mình giao dịch được thì mình cũng được hưởng hoa hồng môi giới.
Không may mắn một chút, những nhà đầu tư số 0 gặp phải những người “thầy” mẫu giáo dạy trò vỡ lòng. Chất lượng nhân sự môi giới không phải ai cũng là chuyên gia. Thậm chí, họ cũng vừa mới bước vào thị trường và công việc của họ không khác gì mấy việc hỗ trợ khách hàng trong những vấn đề đơn giản nhất: mở tài khoản thế nào, đặt lệnh ra sao…
Không may mắn hơn nữa, những nhà đầu tư số 0 gặp phải những môi giới tầm “cáo già”. Những Nhà đầu tư số 0 không biết gì nhiều về thị trường, không được ai cảnh báo hoặc đơn giản là cũng không biết có chữ rủi ro mà đi hỏi người khác. Nhà đầu tư số 0 giao tài khoản cho môi giới với hứa hẹn sẽ giúp những nhà đầu tư số 0 làm tất cả, từ giao dịch, chọn cổ phiếu nào, vào, ra thời điểm ra sao….Hứa ngọt lắm. Lỗ thì khách hàng chịu, lời thì ăn chia (cũng hợp lý, chẳng ai muốn lỗ để mà không được chia lời cả). Thậm chí, Nhà đầu tư số 0 tự tay ký ủy quyền toàn bộ quyền sử dụng tài khoản, ký hợp đồng margin…cho môi giới dùng. Rồi thì, nhẹ thì Nhà đầu tư số 0 bị môi giới dùng tài khoản để quay vòng cổ phiếu, nặng thì cháy tài khoản và mất trắng. Khi họ vỡ lẽ ra bài học đầu tiên, kiện tụng ngày này, năm khác dai dẳng mà chẳng ra kết quả cuối cùng. Bởi họ là người ký, họ chịu, họ bị lừa nhưng chữ lừa đảo không dễ phân biệt với chữ rủi ro.
Viết tuyến bài viết này, chúng tôi mong rằng những nhà đầu tư số 0 hãy thực sự đừng để lòng tham kiếm tiền nhanh kéo mình hành động. Để rủi ro cho tài khoản ít đi, nhà đầu tư xin hãy chậm lại một chút, hiểu thị trường, hiểu doanh nghiệp, hiểu mình mua/bán gì và lý do mua/bán trước khi vội vã hành động.
Bài viết tiếp theo của chuỗi này, chúng tôi sẽ hướng dẫn những nhà đầu tư số 0 "7 bước đi cơ bản".