Nhiều công ty sản xuất nhôm Trung Quốc đóng cửa nhà máy trong suốt mùa đông nhằm thực hiện chiến dịch bảo vệ môi trường có thể chưa mở cửa trở lại vào mùa xuân năm nay sau khi lệnh hạn chế sản lượng hết hạn. Nguyên nhân được cho là do kế hoạch tăng sản lượng của các nhà máy nhôm nhà nước có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu nội địa.
Ảnh: Reuters
Năm ngoái, Trung Quốc- quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới- yêu cầu các nhà máy nhôm tại 28 thành phố khu vực phía bắc giảm 30% sản lượng trong giai đoạn từ giữa tháng 11/2017 đến giữa tháng 3/2018. Động thái này được cho là ảnh hưởng tới 1 triệu tấn nhôm sản lượng hàng năm của Trung Quốc.
Trữ lượng ở mức kỷ lục kèm theo giá nhôm giảm tới gần 10% kể từ giữa tháng 11/2017 khiến nhiều nhà máy từ tỉnh Sơn Đông đến tỉnh Sơn Tây phải ngừng hoạt động ngay cả khi lệnh thắt chặt sản lượng sắp hết hạn.
Wen Xianjun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Kim loại màu Trung Quốc cho biết hầu hết các nhà máy nhôm Trung Quốc thua lỗ khi giá giảm xuống mức 14.000 nhân dân tệ (tương đương 2.206 USD)/tấn và họ cần phải cân nhắc việc tái khởi động các nhà máy có đáng hay không.
Xinfa Group- công ty sản xuất nhôm tư nhân lớn thứ 2 Trung Quốc cho biết "Ở mức giá 14.000 nhân dân tệ/tấn chúng tôi vẫn "đủ ăn" nhưng với công ty khác chắc chắn sẽ rất "đói"".
Những nhà máy này còn phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ các dự án sản xuất nhôm mới của một số công ty nhà nước vốn không nằm trong chương trình cắt giảm sản lượng của chính phủ.
Theo khảo sát của một số chuyên gia, năm nay công suất ngành nhôm sẽ tăng thêm 3-4 triệu tấn, tương đương 10% sản lượng hiện tại của cả nước. Động thái này cho thấy các công ty sản xuất nhôm tư nhân quy mô nhỏ đang bị siết chặt nhiều hơn.
Sản lượng nhôm của Trung Quốc qua các tháng (Nguồn: Reuters)
Jackie Wang, một chuyên gia phân tích đến từ công ty tư vấn hàng hóa CRU nhận định các công ty nhà nước đang ngày càng lớn mạnh trong ngành công nghiệp luyện kim.
Việc một số công ty còn khá dè dặt trong việc tái khởi động nhà máy sau khi lệnh hạn chế kết thúc có thể giúp nỗ lực giảm nhôm thừa trên thị trường của chính phủ Trung Quốc càng phát huy tác dụng. Tuy nhiên, sản lượng của các dự án mới thậm chí còn vượt so với lượng nhôm đã cắt giảm trong suốt mùa đông có thể làm "rung chuyển" thị trường nhôm toàn cầu đồng thời gây áp lực lên giá.