Năm nay, triển lãm nổi tiếng này bị nhiều nhãn hiệu cũng như các nhà sản xuất nhỏ "tẩy chay."
Triển lãm đồng hồ lớn nhất thế giới mở cửa bắt đầu từ ngày hôm nay 23/3 với sự hiện diện của một nửa số lượng các nhà trưng bày so với năm ngoái. Khu vực triển lãm có hai tầng hoàn toàn trống rỗng, được "ngụy trang" bởi các tấm mành kim loại để che giấu đi thực tế đáng buồn là các gian hàng không được lấp đầy hết.
10 năm trước, triển lãm từng ghi nhận tới 2.000 nhà trưng bày. Năm ngoái, chỉ có 1.300 nhà trưng bày hiện diện tại sự kiện. Năm nay, con số nhà trưng bày là 650, giảm một nửa so với năm ngoái. Trong số này, các nhà trưng bày Thụy Sĩ là 130 đơn vị, so với con số 300 ghi nhận trong năm 2017. Năm nay, triển lãm kéo dài từ ngày 23-27/3, tức bị rút ngắn đi hai ngày so với các kỳ triển lãm trước đây.
Một ngày trước thời điểm khai mạc sự kiện, các nhà tổ chức triển lãm công bố một chiến lược, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng hơn là số lượng và tập trung vào các sản phẩm đồng hồ và trang sức hoàn thiện.
Giám đốc triển lãm, bà Sylvie Ritter khẳng định: "Chất lượng của một kỳ triển lãm không phải ở chỗ các gian trưng bày được lấp đầy. Triển lãm Baselworld chiếm tới 80% doanh số của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ."
Trong khi các tập đoàn trong đó có Swatch vẫn ủng hộ triển lãm như sự kiện đại diện cho ngành công nghiệp đồng hồ nói chung, chứ không chỉ có mỗi khía cạnh hàng hóa xa xỉ, sang trọng, các thương hiệu khác như Bulgaria thừa nhận rằng so sánh giữa chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu về khi tham gia triển lãm không còn hấp dẫn như trước nữa và họ đã tính đến việc sẽ rời khỏi sự kiện này.
Ngoài ra, triển lãm còn bị các nhà sản xuất nhỏ lẻ, chuyên gia công các máy móc thiết bị, công cụ và các nhà cung cấp khác tẩy chay, họ cho rằng triển lãm quá đắt đỏ và ngày càng thu hút ít người tham quan.
Với tâm trạng thất vọng, các nhà sản xuất, cung cấp nhỏ lẻ đã quyết định rời bỏ triển lãm Baselworld năm nay và tổ chức một triển lãm riêng của họ, mở cửa trùng với thời điểm này, ngày 22/3, tại thành phố Chaux-de-Fonds (Tây Bắc Thụy Sĩ), nổi tiếng với truyền thống sản xuất đồng hồ từ thế kỷ 17. Các nhà kim hoàn cũng không tham dự Baselworld nữa mà dự kiến làm triển lãm riêng vào tháng Năm tới đây tại Geneva.
Ngoài ra, còn một thay đổi quan trọng nữa phải kể đến, đó là sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, sự phát triển của ngành thương mại điện tử đang đặt ra câu hỏi liệu sự tồn tại một triển lãm như Baselworld còn cần thiết nữa hay không.
Người đứng đầu nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng mang tên Zénith đề xuất một hướng tiếp cận: "Khái niệm về triển lãm cần phải được thay đổi, mở rộng rãi hơn với công chúng và làm sao cho sự kiện trở nên hấp dẫn hơn nữa."
Nếu vài năm trước đây, có đến một nửa số lượng doanh thu của ngành công nghiệp đồng hồ từng được ghi nhận tại Baselworld thì hiện nay, các nhãn hiệu gần như không bán đồng hồ ở đây nữa. Baselworld dường như đã trở thành nơi trưng bày, với chi phí quá đắt đỏ đối với các nhà sản xuất nhỏ lẻ.
Sau những năm tháng khủng hoảng, doanh số bán hàng của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đã phục hồi trở lại. Xuất khẩu của ngành đã tăng 12,8% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu các nhãn hiệu đồng hồ lớn tỏ ra lạc quan trong năm nay thì tình hình của các nhãn hiệu nhỏ lại chưa thấy nhiều dấu hiệu chắc chắn./.