Việc nền kinh tế toàn cầu dần mở cửa trở lại sau làn sóng dịch bệnh COVID-19 với biến chủng Delta đã kéo theo sự gia tăng của giá cả của hàng loạt hàng hóa từ khoảng đầu năm 2021 tới nay. Giá nhiều loại hàng hóa đã tăng phi mã với mức tăng được tính bằng lần, và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến chiều 30/9 tổ chức bởi MBS, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc nghiên cứu KHCN MBS cho rằng sự đứt gãy các chuỗi cung ứng trong thời gian qua là một nguyên nhân chính khiến giá hàng hóa một số sản phẩm trên thế giới tăng mạnh.
Ông Trần Hoàng Sơn trong buổi tọa đàm của MBS (ảnh chụp màn hình)
Đồng thời nhiều quốc gia cũng cắt giảm sản lượng khiến lượng cung hàng hóa toàn cầu sụt giảm trong khi nhu cầu lại tăng lên từ sự phục hồi của kinh tế. Sự mất cân bằng giữa cung cầu càng đẩy giá các mặt hàng lên mức đỉnh mới.
Ngoài ra chi phí vận tải, đặc biệt là vận tải biển tăng phi mã khiến đà tăng của giá các loại hàng hóa "leo thang". "Có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi nhìn vào giá mặt hàng như thép cuộn, dầu khí, phân bón, hóa chất ghi nhận mức tăng từ 50% cho tới 200%…", ông Sơn cho biết.
Quan điểm được đưa ra chính là sau làn sóng đại dịch COVID-19, hàng hóa trên thế giới đang bước vào một siêu chu kỳ mới kể từ giao đoạn 1990 tới nay. Điều này sẽ tạo nên áp lực về lạm phát cho các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU; tuy nhiên ngược lại sẽ tạo ra tác động vô cùng tích cực cho nhóm các cổ phiếu nhạy cảm với giá hàng hóa.
Cụ thể, ông chỉ ra nhóm ngành thép đã có sự tăng trưởng bằng lợi nhuận vô cùng tốt trong bối cảnh giá thép cuộn tăng quá "nóng" từ đầu năm 2021 tới nay nhờ chênh lệch giữa giá thành và giá bán. Điển hình tại Việt Nam là Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG) với mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá trong nửa đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp hưởng lợi còn có nhóm phân bón với việc giá bán phân bón đang ở mức cao kỷ lục. Doanh nghiệp than cũng tăng trưởng lợi nhuận theo đà tăng của giá than trên thị trường. Trong khi sự tăng giá gas cũng giúp nhóm cổ phiếu liên quan tới ngành khí ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ.
Tới nay, giá dầu Brent đang có dấu hiệu vượt đỉnh 13 năm gần nhất khi leo lên gần 80 USD/thùng trong tháng 9, điều này cũng sẽ tác động vô cùng tích cực đối với nhóm cổ phiếu dầu khí.
Nhìn chung, xu hướng tăng của giá các hàng hóa sẽ vẫn tiếp tục, ít nhất là trong các tháng còn lại của năm 2021, qua đó ông Sơn cho rằng đây sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty đang được hưởng lợi, về cả mặt giá cổ phiếu cũng như tiềm năng lợi nhuận.
"Kết quả kinh doanh quý 3 sụt giảm sẽ không tác động quá nhiều tới giá các cổ phiếu trên, thị giá giữ được nhịp tăng và kỳ vọng tạo nên sức bật khi báo cáo tài chính quý 3 được công bố", ông Sơn kỳ vọng.