Malaysia cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc là các thị trường chính của ớt Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thời gian và điều kiện để Malaysia trở lại nhập khẩu ớt Việt Nam nên nông dân cần chủ động giảm diện tích để không gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Theo các doanh nghiệp, mở cửa lại thị trường đối với mặt hàng nông sản thường rất khó khăn, đặc biệt là các sản phẩm tươi, ăn liền, không qua chế biến. Trước đây, thanh long Việt Nam đã mất 7 năm mới quay trở lại Đài Loan (Trung Quốc) sau khi thị trường này ngưng nhập khẩu với lý do phát hiện thanh long nhiễm ruồi đục quả (vi phạm về kiểm dịch thực vật).
Ớt Việt Nam không còn được cấp phép nhập khẩu vào Malaysia
Ông Trần Kim Phát, Phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất và chế biến ớt Phạm Tân (TP HCM), cho biết hoạt động xuất khẩu ớt sang Malaysia đã ngưng 2 tháng nay, trước khi có thông báo chính thức.
"Các mặt hàng công ty xuất khẩu sang thị trường này là ớt tươi, ớt muối, ớt xay tỏi,… Thời gian qua, chúng tôi thu mua nguyên liệu từ nông dân liên kết, ớt trồng trong nhà màng nên kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công ty chúng tôi chưa từng bị cảnh báo liên quan đến các chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng họ ngưng nhập thì chúng tôi phải xoay xở để kiếm thị trường thay thế" - ông Phát thông tin.
Cũng theo phó giám đốc doanh nghiệp này, dù đã ngừng xuất khẩu ớt sang Malaysia 2 tháng qua nhưng giá ớt trên thị trường chưa bị ảnh hưởng do không phải vụ thu hoạch chính. "Tuy nhiên, chúng tôi đã khuyến cáo nông dân hạn chế trồng vào vụ mới để tránh bị thua lỗ" - ông Phát nói.
Chủ một vựa ớt lớn tại TP HCM cho biết trước giờ Malaysia là thị trường mua ớt giá cao nhất với yêu cầu ớt có hình thức đẹp, chín đều. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, thị trường này đã ngưng mua hàng.
Đại diện một công ty nông sản xuất khẩu sang Malaysia cho biết phía đối tác vẫn chưa nắm được thông tin thời gian và điều kiện để được xuất khẩu ớt trở lại thị trường này. Ngoài Việt Nam, các nước xuất khẩu ớt chính vào Malaysia như: Myanmar, Thái Lan, Indonesia,… cũng bị ngừng cấp phép nhập khẩu.
Ông Trần Kim Phát cho biết thêm ông có tìm hiểu thông tin từ bạn hàng thì được biết thời gian qua Malaysia tăng cường kiểm soát nông sản nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước. Thời gian qua, Malaysia đã gia tăng sản xuất ớt nên siết chặt hàng nhập khẩu.
Thông tin chính thức từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết lý do Malaysia ngưng nhập khẩu ớt từ Việt Nam là do nước này phát hiện nhiều lô ớt từ Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép.
Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Malaysia, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng cần rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu và thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ ban đầu để tránh tái diễn vi phạm.