Ngành du lịch của Việt Nam đang phát triển vượt bậc. Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15.497.791 lượt khách và là năm thứ ba liên tiếp, du lịch Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Cũng năm này, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 đạt hơn 1,5 triệu lượt. 8 tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018. Giữ vững phong độ, Việt Nam sẽ vượt du lịch Singapore về quy mô trong năm nay và xa hơn là đuổi kịp Thái Lan trong vòng 10 năm nữa.
Nhờ lượng khách du lịch không ngừng tăng cao, nhu cầu ngành dịch vụ du lịch trực tuyến ngày càng được đầu tư mạnh. Đây cũng là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất, đóng góp phần lớn nguồn thu cho ngành du lịch.
Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô Du lịch trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 9 tỷ USD vào năm 2025. Theo đó, các OTAs thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, hotel.com) đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần.
Quy mô Du lịch trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 9 tỷ USD vào năm 2025
Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho thấy trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch…
Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt. Qua các năm, tỉ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng khả quan. Khách hàng bây giờ chỉ cần thông qua một cú nhấp chuột là có thể đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour…
Tiềm năng là vậy, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), du lịch trực tuyến là cuộc chơi đầy thử thách. Những doanh nghiệp Việt dám đầu tư vào du lịch trực tuyến vô cùng dũng cảm. Hiện vẫn chưa có chính sách hay quy định nào về du lịch trực tuyến.
Về thực trạng, ông Hưng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam.
Hiện chỉ có trên 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, gotadi.com, vntrip.vn,… Tuy nhiên các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp. Thị phần khách tour, khách quốc tế gần như bỏ ngỏ.
Nhanh chóng phát hiện ra thị trường tỷ đô còn bỏ ngỏ này, nhiều ông lớn bắt đầu đổ vốn vào đầu tư ngành dịch vụ trực tuyến này. Tháng 9/2017, Viettel hợp tác cùng Tripi.vn để phát triển thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam. Sự hợp tác giữa một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam – Viettel cùng với Tripi mở ra triển vọng về việc phát triển các ứng dụng công nghệ hiện đại vào du lịch – ngành kinh tế giàu tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ về công nghệ. Đây là nước đi táo bạo của Tripi và Viettel trong giành lại thị phần du lịch trực tuyến.
Năm 2018, hệ thống website & ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến Vntrip.vn vừa gọi vốn thành công lần 3 từ IHAG Holding, một tập đoàn đầu tư toàn cầu của Thụy Sỹ với mức định giá 45 triệu USD. Một trong những thành viên trong Hội đồng quản trị IHAG - ông Armin Meier – là người từng giữ vị trí CEO của Kuoni, công ty toàn cầu chuyên điều hành tour du lịch cao cấp.. Theo đại diện Vntrip, vòng huy động vốn lần 3 giúp đơn vị này tăng nguồn lực, tạo thế vững để lấn sân sang những lĩnh vực khác như bán vé máy bay trực tuyến.
Hay mới đây, Apec Capital (thành viên Tập đoàn Apec Group) đã quyết định đầu tư gần 1 triệu USD (20 tỷ VNĐ) cho dự án “Mandala Inn”- ý tưởng xuất sắc nhất từ học viện ươm mầm khởi nghiệp Apec Academy. Nguồn vốn này sẽ được đầu tư vào Mandala Inn dưới dạng vốn góp nhằm xây dựng một chuỗi khách sạn nhượng quyền công nghệ với tham vọng mở rộng ra 600 cơ sở lưu trú trên toàn Việt Nam trong một năm tới.
Mandala Inn là mô hình chuỗi nhượng quyền khách sạn hoàn toàn mới với mục tiêu xây dựng nên một hệ thống công nghệ hoàn chỉnh từ quản lý khách sạn, lưu trữ kho phòng đến đặt phòng trực tuyến. Đồng thời, Mandala Inn cam kết thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ marketing, chiến dịch truyền thông thương hiệu, bán phòng trực tuyến cho các khách sạn tham gia vào chuỗi với hình thức chia sẻ doanh thu. Như một “Uber trong ngành khách sạn”, theo đó chủ khách sạn sẽ cho phép Mandala áp dụng hệ thống công nghệ và đồng bộ tiêu chuẩn quản lý của chuỗi vào khách sạn của mình nhằm tăng doanh thu, tăng công suất phòng, gia tăng lợi nhuận.
Không chỉ đầu tư vào Mandala Inn, Apec Academy và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp 20 triệu USD Apec Capital mong muốn hỗ trợ các startups Việt tiềm năng ngành du lịch khách sạn có đủ sức cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài. Trong giai đoạn đầu, các startups sẽ được tham gia vào học viện khởi nghiệp Apec Academy, được đào tạo và hướng dẫn từ các chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực marketing, tài chính, kinh doanh. Sau khi kết thúc đào tạo 6 tháng, startups sẽ được cam kết đầu tư một nguồn vốn cố định hàng năm. Hình thức góp vốn tối thiểu ở mức $50.000/start-up, chiếm 10% cổ phần của doanh nghiệp mới thành lập.
Ngoài Viettel, Apec hiện nay nhiều doanh nghiệp BĐS cũng đang "nhòm ngó" sang lĩnh vực đầu tư dịch vụ du lịch trực tuyến. Có thể kể đến như Tập đoàn Sunshine Group hiện đang phát triển ứng dụng app Sunshine Homes. Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng đặt phòng khách sạn tại các dự án Sunshine Group phát triển, đặt các dịch vụ xe đưa đón, du thuyền, spa....trước khi bắt đầu chuyến du lịch. Theo đại diện Sunshine Group, ban đầu ứng dụng này sẽ được sử dụng ở các dự án Sunshine Group phát triển, sau đó doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng du lịch mạnh mẽ của Việt Nam hiện nay ngành dịch vụ du lịch trực tuyến của Việt Nam đang là "miếng bánh ngon" nhưng chưa được khai thác xứng tầm. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, du lịch trực tuyến chính là thời kỳ mới của ngành Du lịch. Để du lịch phát triển bền vững, những ngành liên quan như công nghệ thông tin, thương mại điện tử… không thể "giậm chân tại chỗ" mà cần có những sáng tạo mới và uy tín.
Vừa qua, Tổng cục Du lịch phối hợp với Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn tổ chức cuộc thi "Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch" với hy vọng tạo sự đổi mới trong hoạt động kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Tại cuộc thi này, nhiều dự án triển khai công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch do người Việt sáng tạo đã được giới thiệu như: Ứng dụng cho phép kết nối du khách với người dân địa phương; ứng dụng tìm thuê xe tự lái, ứng dụng tra cứu những điểm đến; tìm kiếm và đặt phòng khách sạn…