Bộ Luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi năm 2019 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, với nhiều quy định mới.
Nâng số ngày nghỉ lên 11 ngày
Điển hình như lễ Quốc khánh được nghỉ 2 ngày; thêm 2 trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương; cấm ép người lao động (NLĐ) mua hàng hóa công ty, tăng tuổi nghỉ hưu… Cụ thể, điều 112 BLLĐ sửa đổi quy định bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 1-9 hoặc 3-9 dương lịch, tùy theo từng năm và theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB- XH). Như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm sẽ nâng lên 11 ngày, gồm: Tết dương lịch nghỉ 1 ngày; Tết âm lịch nghỉ 5 ngày; Thống nhất đất nước 30-4 nghỉ 1 ngày; Quốc tế lao động 1-5 nghỉ 1 ngày; Quốc khánh nghỉ 2 ngày; Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) nghỉ 1 ngày. Trong những ngày này, NLĐ được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Nếu làm việc vào những ngày này sẽ được hưởng ít nhất 300% lương.
Ngoài ra, mỗi tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.
Cũng theo BLLĐ sửa đổi, NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp, như: Kết hôn (nghỉ 3 ngày); con đẻ, con nuôi kết hôn (nghỉ 1 ngày); cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi; cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết (nghỉ 3 ngày). Như vậy, so với luật cũ, BLLĐ năm 2019 đã bổ sung thêm 2 trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương, cụ thể là trường hợp bố nuôi chết và mẹ nuôi chết.
Ngoài ra, BLLĐ sửa đổi cũng quy định cấm ép NLĐ mua hàng hóa công ty; NLĐ có thể được thưởng "không chỉ bằng tiền"; NLĐ được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do; có thể ủy quyền cho người khác nhận lương; tăng tuổi nghỉ hưu…
Người lao động được nghỉ bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Hồng Đào
Cấm dịch vụ đòi nợ thuê
Luật Đầu tư 2020 đã đưa hoạt động "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Kể từ ngày 1-1-2021, dịch vụ đòi nợ chính thức được chuyển vào danh mục ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh.
Theo đó, Luật Đầu tư 2020 quy định hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành. Các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, luật này cũng bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; 4 trường hợp không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cùng một số điều đáng chú ý khác.
Người dân được bắn pháo hoa trong dịp lễ Tết, sinh nhật
Nội dung đáng chú ý này được đề cập trong Nghị định (NĐ) 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực từ ngày 11-1-2021.
Theo điều 17 của NĐ này, người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (đủ 18 tuổi, không mắc bệnh tâm thần…) được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương… Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Quốc phòng cấp phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. NĐ cũng giải thích rõ pháo hoa khác với pháo hoa nổ. Loại pháo hoa người dân được sử dụng là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp… tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ (điều 3, NĐ 137/2020/NĐ-CP).
Quy định mới về các trường hợp tinh giản biên chế
Có hiệu lực từ ngày 23-1-2021, NĐ 143/2020/NĐ-CP ngày 10-12-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và NĐ 143/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 108/2014/NĐ-CP.
Trong đó, NĐ 143/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về các trường hợp tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.