Chứng khoán Việt Nam vừa đi qua nửa đầu năm 2021 thăng hoa ngoài mong đợi khi liên tiếp thiết lập những cột mốc mới. Kết thúc phiên giao dịch 30/6, chỉ số VN-Index dừng tại 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với đầu năm.
Đà tăng ấn tượng thời gian qua đã giúp VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán (chính) tăng mạnh thứ 2 Thế giới trong nửa đầu năm, chỉ xếp sau chỉ số chứng khoán Abu Dhabi. Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN30 Index thậm chí còn ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn với gần 43% trong nửa đầu năm nay.
Diễn biến khả quan trong nửa đầu năm đã mang lại hiệu suất tuyệt vời cho các quỹ đầu tư trên TTCK Việt Nam và không ít quỹ ghi nhận mức tăng trưởng trên 40%, vượt xa đà tăng của VN-Index.
Trong số các quỹ lớn được chúng tôi thống kê, SSIAM VNFinLead ETF có hiệu suất tốt nhất thị trường với mức tăng trưởng 68,2% trong nửa đầu năm nay. Việc danh mục đầu tư gồm toàn các cổ phiếu tài chính, trong đó cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 90% đã giúp hiệu suất đầu tư của SSIAM VNFinLead vượt xa thị trường chung.
Xếp ngay sau là DCVFM VNDiamond ETF với hiệu suất đầu tư lên tới gần 53% trong nửa đầu năm. Danh mục của DCVFM VNDiamond ETF cũng có lượng lớn cổ phiếu ngân hàng (thường ở mức tối đa 40% danh mục), cùng với những cổ phiếu tăng trưởng mạnh từ đầu năm như FPT, MWG, PNJ đã giúp hiệu suất quỹ tăng trưởng vượt trội.
Đứng tiếp theo về hiệu suất danh mục là 2 quỹ cũng do Dragon Capital quản lý, gồm VFMVSF với hiệu suất tăng trưởng 48,1% và DCVFVM VN30 ETF với hiệu suất 44,9%.
Các quỹ sử dụng tham chiếu VN30 như SSIAM VN30 ETF hay MAFMVN30 ETF xếp ngay sau với hiệu suất tăng trưởng lần lượt là 44% và 42,9%, nhỉnh hơn đôi chút so với đà tăng của VN30 Index (tăng 42,8%).
Nhìn chung, các quỹ ETFs sử dụng tham chiếu là các bộ chỉ số do HoSE cung cấp (VN30, VNX50, VN100, VNFinLead, VNDiamond) đều có hiệu suất tốt trong nửa đầu năm, từ 40% trở lên như trường hợp VinaCapital VN100 ETF (tăng 39,8%), SSIAM VNX50 ETF (tăng 41,8%) hay các quỹ ETFs kể trên, điều này bắt nguồn từ cơ cấu tỷ trọng cao nhóm ngân hàng cùng với các Bluechips như HPG, FPT trong danh mục rổ chỉ số.
Quỹ ngoại Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL Dragon Capital) cũng có mức tăng trưởng NAV/Shares lên tới 42,1% từ đầu năm tới nay. Đây là con số hết sức ấn tượng với quỹ có quy mô danh mục lên tới 2,5 tỷ USD, lớn nhất TTCK Việt Nam. Top 10 cổ phiếu lớn nhất VEIL có sự hiện diện của những cổ phiếu tăng rất mạnh từ đầu năm tới nay như HPG, VPB, ACB, FPT, NVL, TCB…
Trong khi đó, hai quỹ lớn có quy mô khoảng 1 tỷ USD trên TTCK Việt Nam là Pyn Elite Fund và VOF VinaCapital lại có hiệu suất không quá vượt trội so với thị trường chung với mức tăng lần lượt chỉ là 23,6% và 26,3%.
Các quỹ ngoại, đặc biệt nhóm quỹ ETFs như VNM ETF, Premia MSCI Vietnam ETF hay FTSE Vietnam ETF có hiệu suất không quá vượt trội, thậm chí thấp hơn thị trường chung. Điều này có thể bắt nguồn từ việc danh mục các quỹ này không nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng.