Ngày 10/12, tại hội thảo “Kết nối và phát huy các nguồn lực để startup Việt nhìn ra thế giới”, nhiều startup đã chia sẻ “nỗi đau” khi gọi được nguồn vốn lớn.
Là một trong những thành viên sáng lập Nhóm mua, trang mua chung đình đám thời điểm cách đây 8-9 năm, anh Lâm Trần (kiều bào Pháp) kể, thời điểm năm 2015, Nhóm mua đã gọi được 60 triệu USD. Đơn vị này mỗi tháng trả cả trăm ngàn USD cho quảng cáo, truyền thống. Thế nhưng, gọi được nhiều tiền nhưng nhà sáng lập cũng mất hết quyền điều hành.
Diễn giả chia sẻ về cách gọi vốn, cũng như làm sao không để mất công ty khi gọi vốn.
“Nhà đầu tư bỏ vốn lấy 100% quyền điều hành, mâu thuẫn nội bộ xảy ra khiến Nhóm mua ngày càng đi xuống. Sau đó chúng tôi thành lập WisePass là ứng dụng ẩm thực, phong cách sống kết nối du lịch, chúng tôi không dám gọi vốn lớn nữa. Khi dự án thành công, nhóm WisePass mới gọi được nửa triệu USD từ Singapore, và chúng tôi vẫn vẫn giữ được quyền điều hành” – ông Lâm Trần cho hay.
Cũng lo sợ mất quyền điều hành “đứa con” của mình, ông Don Lê – đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Everest Education không dám gọi vốn ngay từ đầu. “Chúng tôi gọi vốn từ bạn bè, gia đình… để có thể tự quyết định dự án của mình. Thực ra, không phải startup nào cũng cần vốn, chúng ta phải biết được giá trị của mình. Khi giá trị được nâng lên thì không lo không phát triển được” – ông Don Lê chia sẻ.
Tuy nhiên, với vai trò là nhà đầu tư, bà Lê Hoàng Uyên Vy, đối tác điều hành của ESP Capital cho rằng, rất nhiều startup sợ mất quyền điều hành khi gọi vốn, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng muốn chiếm quyền điều hành của startup. Quan trọng là chúng ta phải biết thế mạnh, giá trị của mình ở đâu, như thế nào. "Khi đã khẳng định, định vị được giá trị của mình thì gọi vốn, có nhà đâu tư sẽ giúp dự án của startup phát triển mạnh hơn, cơ hội vươn ra thế giới cũng rộng mở hơn” – bà Vy nhìn nhận.
Thường thiếu vốn để phát triển, nhưng không ít startup phải "tự thân vận động" vì không muốn mất quyền điều hành
TChia sẻ lý do chọn Việt Nam khởi nghiệp, ông Charles Lee, Đồng sáng lập Coder School kể, ông đến Việt Nam năm 2015. Năm 2017, Coder School gọi được vốn từ Singapore. “Chúng tôi đã tìm hiểu thị trường Việt Nam và được biết, thế giới rất quan tâm đến thị trường này. Qua từng năm, chúng tôi khẳng định thị trường Việt Nam đang ngày càng tiềm năng” – ông Charles Lee khẳng định.
Theo ông Charles Lee, khởi nghiệp tại Việt Nam hay ở bất cứ đâu cũng gặp nhiều thách thức. Nhưng trong thâm tâm ông Charles Lee vẫn rất muốn chia sẻ với cộng đồng về lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam.
Ông Charles Lee cho rằng, cái khó để khởi nghiệp thành công là có sản phẩm phù hợp, tìm được đội nhóm cùng chung chí hướng để hỗ trợ mình hết mình. “Đừng sợ nhà đầu tư sẽ chiếm luôn công ty của mình, chúng ta cần có lòng tin vào nhà đầu tư, vào chiến lược của họ” – ông Charles Lee bộc bạch.
Theo TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ, ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư cho startup khởi nghiệp. Như trong năm 2019, đã có hơn 800 triệu USD đầu tư cho startup Việt. Dự kiến năm 2020, startup sẽ thu hút 1.000 tỷ đồng từ các quỹ đầu tư. Năm 2025, con số này sẽ tăng gấp đôi.
“Đề án 844 của Chính phủ hỗ trợ startup phát triển hệ sinh thái, ngoài ra còn hướng đến đưa các startup vươn ra thế giới để gọi vốn . Chúng tôi cũng có mạng lưới kỹ năng gọi vốn quốc tế nhằm giúp startup có thêm cơ hội để phát triển dự án, sản phẩm của mình” – TS Phạm Hồng Quất cho biết.