Nhập siêu sẽ trở lại mạnh mẽ?
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan công bố cách đây ít ngày cho thấy, trong nửa đầu tháng 1/2019, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 9,2 tỷ USD, giảm nhẹ 71 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó nhập khẩu đạt gần 10,2 tỷ USD, tăng mạnh 646 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, trong 15 ngày đầu năm 2019, Việt Nam đang nhập siêu gần 1 tỷ USD.
Nhập siêu trở lại với mức giật mình chỉ trong 15 ngày đầu năm mới được lý giải là do kim ngạch xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tăng cả về lượng và giá trị, kéo theo cán cân thương mại thâm hụt. Trong đó, riêng nhóm hàng điện thoại ghi nhận mức giảm kim ngạch xuất khẩu (giảm hơn 800 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD, khiến xuất khẩu của cả nước bị sụt giảm mạnh. Các nhóm ngành xuất khẩu giảm tương đối khác như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Nhập siêu trở lại dường như cũng trùng với các dự báo đưa ra cách đây ít ngày của Bộ Công Thương. Các số liệu từ bộ này cho thấy, năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Cụ thể, xuất siêu cao có thể không được duy trì trong năm 2019, do nhiều khó khăn có thể nhìn thấy trước. Thay vì tiếp đà xuất siêu kỷ lục của các năm 2017-2018, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ đảo chiều. Nhập siêu dự báo sẽ quay trở lại với khoảng 3 tỷ USD.
Những khó khăn, theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm nay nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng cao do xuất khẩu được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở những ngành hàng mà nước ta còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài.
Ngoài ra, trong năm nay và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA và các hiệp định lớn như CPTPP và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ hai thị trường này. Vì vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này sẽ dẫn tới cán cân thương mại có thể đảo chiều đang từ xuất siêu sang nhập siêu.
“Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng 8-10% so với 2018. Trong khi đó nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD”, Bộ Công Thương dự báo.
Nhận định về xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2018 là năm cả ngành công nghiệp và nông nghiệp được mùa. Đây là năm chưa bao giờ xuất khẩu đạt tới 245 tỷ USD trong bối cảnh xuất khẩu thế giới suy giảm với trên 30 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Cũng theo ông Cường, sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất của nền kinh tế, xuất siêu cả năm lên tới 7,2 tỷ USD là con số rất lớn với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo năm 2019 sẽ là năm rất khó khăn sau năm “được mùa” 2018.
Chạm ngưỡng tăng trưởng?
Về những khó khăn trong xuất khẩu hàng dệt may, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, dự báo tăng trưởng 2019 với ngành dệt may vẫn sẽ rất khó lường. Theo ông Hiếu, cuộc chiến thương mại nếu có việc áp thêm 15% thuế thì sẽ rất khốc liệt.
Lường trước tình hình, Vinatex đã phải điều chỉnh các chỉ tiêu với mức tăng trưởng 8-9%. “Mục tiêu doanh thu xuất khẩu đề ra khoảng 40 tỷ USD. Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào việc không thể đòi hỏi tăng trưởng mãi được. Phải chấp nhận có những năm không có tăng trưởng. Ấn Độ và Bangladesh năm nay tăng trưởng âm là bài học. Năm 2019, Vinatex không mở rộng đầu tư mà chỉ tập trung đầu tư chiều sâu, thay thế máy móc theo kế hoạch định kỳ”, ông Hiếu nói.
Về triển vọng tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam, báo cáo mới nhất của ngân hàng UOB (Singapore) dự báo trong năm 2019, kinh tế dự kiến đạt mức tăng trưởng 6,7%, giảm nhẹ so với mức 7,1% của năm 2018. Hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông và năng lượng vẫn là những động lực tăng trưởng quan trọng. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết không thuận lợi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng của sản xuất nông nghiệp và khai thác khoáng sản. Bối cảnh căng thẳng thương mại Hòa Kỳ - Trung Quốc kéo dài cũng có thể tác động lớn đến Việt Nam.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho hay, trong báo cáo mới nhất của WB chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2019. Để duy trì độ tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần làm nhiều việc. Theo đó, cần tập trung không chỉ con số mà vào chất lượng thực hiện cải cách. Ví dụ chất lượng giáo dục, đầu tư, cải cách, đặc biệt những cải cách, sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số để đưa Việt Nam lên tầm cao hơn.
“Ngoài ra, Việt Nam hoàn toàn có thể tập trung vào lựa chọn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, đòi hỏi hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Cần tập trung vào hi-tech, lao động chất lượng cao. Về nông nghiệp cần các mặt hàng có chất lượng xuất khẩu cao hơn. Việc EU rút thẻ vàng với thủy sản Việt Nam cũng là lời cảnh báo”, ông Ousmane Dione nói.
Về những thách thức với xuất khẩu, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu Bộ Công Thương không có chính sách tạo sự đột phá trong công nghiệp hóa của Việt Nam (hiện chỉ chiếm 0,2% của thế giới, kém Trung Quốc 100 lần và kém Thái Lan 5 lần) và giải bài toán thu hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia, trong các lĩnh vực, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Về mục tiêu và nhiệm vụ của ngành công thương năm 2019, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, năm 2019 đặt câu chuyện nhập siêu 2% (tương ứng 3 tỷ USD) là điều không chấp nhận được trong bối cảnh năm trước chúng ta đã xuất siêu kỷ lục tới 7,2 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Bộ Công Thương phải tổ chức thực hiện đảm bảo xuất siêu”, Thủ tướng nói.
“Chỉ tiêu hiện đã đạt cao rồi, giờ đạt cao hơn là rất khó trong bối cảnh thương mại thế giới rất bất ổn. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa trở lại bình thường, Brexit còn đang chưa ngã ngũ... là những yếu tố khó khăn nhìn thấy trước mắt với hoạt động của cả công nghiệp, nông nghiệp năm nay”. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường