Dựa trên kết quả tăng trưởng mạnh trong quý 2/2022 và dữ liệu lịch sử, ngày 30/6, Ngân hàng UOB (Singapore) đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,5% trước đó. Dự báo này đi kèm giả định không có thêm sự gián đoạn nào do COVID-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm khoảng 7,6 - 7,8%.
Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP quý 2/2022 đạt mức tăng cao nhất trong vòng 12 năm là 7,72%.
UOB đánh giá sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý 2/2022 được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất đã tăng tốc trong quý thứ 4 liên tiếp và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động dịch vụ đã dần lấy lại đà tăng kể từ đợt giảm cuối cùng trong quý 3/2021.
Trong nửa đầu năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào mức tăng 9,7% trong lĩnh vực sản xuất và mức tăng 6,6% trong hoạt động dịch vụ.
Trước đó, trong báo cáo tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh dự báo đà tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 5,5% lên 5,8%.
Đại diện WB đánh giá cao khả năng chống chịu của Việt Nam. Về ngắn hạn, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khoá tốt hỗ trợ tăng trưởng khi nợ công mới chỉ ở mức 44% GDP (mục tiêu dưới 60% GDP), thu ngân sách lớn có thể hỗ trợ duy trì lãi suất thấp, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong khi đó, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy giảm, tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,6% và lạm phát quanh 4%. Tuy nhiên, IMF cũng nhấn mạnh rằng, dù Chính phủ đưa ra các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế tốt nhưng việc thực thi còn chậm. Đây có thể coi là nút thắt, nếu tháo gỡ được sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Tại cuộc họp báo công bố số liệu quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, nếu không có biến cố bất lợi nào lớn, năm 2022, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt và thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%.
Các yếu tố cơ bản hỗ trợ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm gồm: Dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản xuất kinh doanh diễn ra thuận lợi trong 6 tháng đầu năm là bước đệm tốt cho nửa cuối năm; 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá cao, đặc biệt trong quý 2 bật tăng lên 7,72% cho thấy đà phục hồi khá rõ nét; quý 3/2021 tăng trưởng âm nên dự kiến quý 3/2022 tăng trưởng cao trên mức nền thấp.
Ngoài ra, các yếu tố như vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, vốn FDI đạt trên 10 tỷ USD, cao nhất 5 năm hay số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao sẽ là những tiền đề tạo đà phát triển cho các quý cuối năm 2022.