“Mọc” chung cư trên đất… quy hoạch trồng cây xanh
Kết quả giám sát sau 5 năm cho thấy, tính đến nay, việc tuân thủ quy hoạch đô thị và chấp hành pháp luật về đất đai đã có chuyển biến. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế cho thấy một số tổ chức, cá nhân chưa chấp hành tốt quy định của pháp luật như chậm triển khai dự án; tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng diễn biến phức tạp nhưng chậm được xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điển hình như dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội, có phần công trình cao tầng sai phạm so với giấy phép xây dựng (không xây dựng giật cấp để tăng diện tích sàn xây dựng; tự ý tăng chiều cao các tầng); một số khu vực như Đầm Bông, Đầm Sòi (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) trong quy hoạch xác định là đất cây xanh nhưng hiện tồn tại các khu dân cư...
Dự án nhà cao tầng 8B Lê Trực vi phạm gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. |
Bên cạnh đó, việc xây dựng công trình cao tầng có xu hướng co cụm tập trung vào khu vực trung tâm các đô thị cũng diễn ra tại Hà Nội. Tỷ trọng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lên tới 80%, trong khi đó, chưa kết hợp đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Việc điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mặc dù góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và nhu cầu nhà ở cho người dân, tuy nhiên, lại dẫn đến gia tăng số căn hộ tại các dự án, gián tiếp làm gia tăng dân số, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của địa phương.
Đáng chú ý hơn cả, Hà Nội cũng là thành phố điển hình về tồn tại trong việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn chậm và thiếu đồng bộ, thiếu kết nối bên trong và bên ngoài các dự án phát triển nhà ở, dịch vụ, gây quá tải, ách tắc giao thông, ảnh hưởng tới hoạt động của đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân.
Cụ thể, tại TP Hà Nội, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 9%, trong khi theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn, tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1% (yêu cầu phải đạt 3-4%).
Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1-6 lần, xu hướng điều chỉnh chủ yếu là tăng tầng cao, diện tích sàn, giảm diện tích đất cây xanh, công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật, bổ sung chức năng nhà ở.
“Có những điều chỉnh theo đề xuất của nhà đầu tư làm thay đổi lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân như một số dự án ở thành phố Hà Nội”, đoàn giám sát Quốc hội nêu rõ và thông tin thêm, cũng tại Hà Nội còn tồn tại các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó có những dự án có tỷ lệ chậm nộp/số phải nộp rất cao, nhiều trường hợp được giao đất không thu tiền sử dụng đất trước đây chưa chuyển sang hình thức thuê đất theo đúng quy định…
Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương
Theo đoàn giám sát của Quốc hội, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên một phần là do việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai còn bất cập; một bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái để trục lợi.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên; việc xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm, yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả còn thiếu kiên quyết. Nguồn lực đầu tư cho công tác quy hoạch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý đất đai còn bất cập, kinh phí đầu tư cho hoạt động đo đạc, số hóa hệ thống bản đồ địa chính, điều tra, đánh giá đất, cập nhật tình hình biến động đất đai, hoàn thiện hồ sơ địa chính còn hạn chế…
Qua công tác thanh tra, kiểm toán cho thấy những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, trong thực hiện các quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; trong việc phê duyệt, cho phép phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến các công trình cao tầng được đầu tư xây dựng tập trung vào khu vực trung tâm đô thị… có trách nhiệm rất lớn của các cấp chính quyền địa phương.
Đồng thời, có trách nhiệm của các sở, ngành địa phương như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính… trong việc tham mưu phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, tài chính, đất đai; bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của UBND các quận, thành phố trực thuộc tỉnh trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Chính vì vậy, một trong những giải pháp được đưa ra để khắc phục những bất cập, tồn tại kể trên là địa phương cần vào cuộc quyết liệt.
Cụ thể: Có cơ chế phân bổ đất đai tại đô thị trong quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở, đất sử dụng vào mục đích công cộng như đất giao thông, đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng, đất xây dựng công trình sự nghiệp như y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao...
Ưu tiên tạo quỹ đất để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm tính kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các dự án đầu tư với cơ sở hạ tầng khung sẵn có. Đổi mới công tác lấy ý kiến nhân dân đối với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị. Đối với các dự án nằm trong khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh, thực hiện đầy đủ thủ tục xin ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai dự án theo đúng quy định.
Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất theo quy định pháp luật. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nhà ở tại các khu tái định cư nhằm ổn định đời sống của người dân. Phát huy vai trò của Quỹ Phát triển đất trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất.
Thực hiện bố trí hợp lý ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác cho Quỹ Phát triển đất; sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. Có biện pháp ngăn chặn tình trạng mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.