Các nước thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 13-10 cam kết tránh phá giá tiền tệ để qua đó hạ giá hàng hóa xuất khẩu nhằm tìm kiếm lợi thế cạnh tranh.
Cam kết của Trung Quốc
Cam kết này được đưa ra giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tranh cãi về sự sụt giá của đồng nhân tệ, làm tăng thêm căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đối đầu trong cuộc chiến thuế quan. Theo báo The Straits Times, đồng nhân dân tệ (NDT) đã giảm hơn 9% so với đồng USD trong 6 tháng qua, khiến Mỹ cáo buộc Trung Quốc cố tình thao túng tiền tệ để tăng sức cạnh tranh. Bắc Kinh gọi cáo buộc này là "phỏng đoán vô căn cứ".
Vấn đề thao túng tiền tệ đã phủ bóng hội nghị thường niên của IMF - Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Bali - Indonesia từ ngày 11 đến 13-10. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương hôm 13-10 nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không sử dụng tiền tệ như một công cụ đối phó các xung đột thương mại. "Trung Quốc sẽ tiếp tục để thị trường đóng vai trò quyết định trong sự hình thành của tỉ giá hối đoái NDT" - ông Dịch khẳng định.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cùng ngày cho biết giới chức Trung Quốc đã thông báo với ông rằng Bắc Kinh không có lợi gì nếu NDT giảm giá hơn nữa. "Với chúng tôi, tiền tệ là vấn đề quan trọng và sẽ là một phần các cuộc thảo luận về thương mại" - ông Mnuchin nói với phóng viên khi tham dự hội nghị trên.
Nhà Trắng đang gây sức ép để ông Mnuchin chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong báo cáo dự kiến công bố vào tuần tới. Dù vậy, một số nguồn tin cho trang Bloomberg biết các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã khuyên ông Mnuchin rằng Trung Quốc thực tế không có hành vi này. Ngay cả Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng nhận định sự giảm giá NDT đơn thuần phản ánh sức mạnh của đồng USD.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải), người đồng cấp Taro Aso của Nhật Bản (giữa) và Nicolas Dujovne của Argentina tại hội nghị hôm 13-10. Ảnh: REUTERS
Lý lẽ của Mỹ
Các tranh cãi thương mại gần đây, trong đó nổi bật là cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung, cũng đè nặng lên bầu không khí hội nghị có sự tham gia của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước. Không bỏ qua cơ hội chỉ trích chính sách của Mỹ, Thống đốc Dịch Cương cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại là "những nguy cơ chính" đối với nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, bà Lagarde nhận định điều quan trọng lúc này là xuống thang căng thẳng thương mại, đồng thời thúc giục sự hợp tác càng nhiều càng tốt giữa các nước.
Đáp lại, ông Mnuchin bác bỏ cảnh báo cuộc đấu thương mại Mỹ - Trung đang đe dọa kinh tế thế giới. Thay vào đó, bộ trưởng này cho rằng việc Washington thúc đẩy Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế và áp dụng các biện pháp trừng phạt để nước này thay đổi hành vi thương mại sẽ là điều tốt cho mọi người.
Lập luận trên được đưa ra sau khi báo cáo mới của IMF trong tuần này cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống còn 3,7% trong 2 năm 2018 và 2019, giảm so với mức 3,9% được đưa ra trong lần dự báo 6 tháng trước đó. Đi cùng với sự cắt giảm này là cảnh báo "mọi người sẽ chịu tổn thất" từ cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chuyện nợ nần cũng là tâm điểm chú ý tại hội nghị IMF - WB trong bối cảnh Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang gây lo ngại về nguy cơ nợ nần đầm đìa đối với những nước vay tiền Bắc Kinh.
Phát biểu bên lề hội nghị, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zou Jiayi hôm 13-10 thừa nhận một số dự án BRI có vấn đề về nợ và khẳng định Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát vĩ mô đối với khía cạnh nợ bền vững của các khoản đầu tư ở nước ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tối ưu hóa và đa dạng hóa hình thức huy động vốn vay của BRI, như đầu tư trực tiếp nước ngoài, đối tác công tư, quỹ đầu tư…
Trong khi đó, bà Lagarde thúc giục các nước cần bảo đảm năng lực quản lý nợ công và có chính sách thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Pakistan hôm 11-10 chính thức đề nghị IMF hỗ trợ tài chính giữa lúc có chỉ trích kế hoạch Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan khiến kinh tế quốc gia Nam Á này gặp thêm khó khăn.