Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do đàm phán với Iran rơi vào bế tác. Việc dầu Iran chậm trễ quay lại thị trường trong khi Mỹ và các nước đồng minh xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga khiến giá dầu tăng vọt.
Cuộc đàm phán nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân của Iran và các cường quốc đã bị sa lầy vào ngày chủ nhật (6/3) sau khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo các lệnh trừng phạt mà nước này phải đối mặt trong cuộc xung đột Ukraine không ảnh hưởng đến thương mại của họ với Tehran. Theo các nguồn tin, Trung Quốc cũng đưa thêm các yêu cầu mới.
Phản hồi lại yêu cầu của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm chủ nhật rằng các lệnh trừng phạt áp đặt với Nga không liên quan đến một thoả thuận hạt nhân tiềm năng với Iran.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thăm dò về một động thái cấm nhập khẩu dầu của Nga, ông Blinked cho biết hôm chủ nhật. Nhà Trắng đã phối hợp với các uỷ ban quan trọng của Quốc hội và tiến hành lệnh cấm của riêng họ.
Dầu Brent tập tức tăng 11,67 USD, tương đương 9,9% lên 129,78 USD/thùng vào lúc 6h50 chiều (giờ Mỹ) trong khi dầu thô Tây Texas tăng 10,83 USD, tương đương 9,4% lên 126,51 USD/thùng, mức tăng điểm phẩn trăm cao nhất kể từ tháng 5/2020.
Trong vài phút giao dịch đầu tiên vào ngày chủ nhật, giá của cả 2 loại dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 với dầu Brent ở mức 139,13 USD/thùng và dầu WTI ở mức 130,50 USD/thùng.
"Iran là nhân tố duy nhất có thể khiến giá dầu giảm vào lúc này nhưng nếu bây giờ thoả thuận với Iran bị trì hoãn, giá dầu sẽ diễn biến khó lường, đặc biệt khi dầu của Nga vẫn chưa xuất hiện trên thị trường trong thời gian dài", Amrita Sen – đồng sáng lập của Energy Aspects cho biết.
Các nhà phân tích của JP Morgan trong tuần trước dự đoán giá dầu có thể tăng lên 185 USD/thùng trong năm nay.
"Ý tưởng không phải là trừng phạt dầu và khí đốt vì bản chất thiết yếu của chúng nhưng dầu Nga đang bị ‘trừng phạt’ bởi các thương gia không muốn mua chúng hoặc các cảng không muốn nhận. Việc này càng kéo dài, chuỗi cung ứng càng thắt chặt", Daniel Yergin - Phó chủ tịch của S&P Global cho biết.
Nga xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu/ngày và các sản phẩm tinh chế, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu. Một lượng không nhỏ dầu xuất khẩu của Kazakhstan từ các cảng của Nga cũng bị thị trường "tẩy chay".
Các nhà phân tích tại Bank of America cho biết nếu phần lớn dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, sự thiếu hụt trên thị trường có thể lên đến 5 triệu thùng/ngày hoặc lớn hơn. Điều này đồng nghĩa giá dầu có thể tăng gấp đôi từ 100 USD lên 200 USD/thùng.
Các nhà phân tích dự đoán Iran phải mất vài tháng để khôi phục dòng chảy dầu ngay cả khi đạt được thoả thuận hạt nhân.
Tập đoàn Eurasia cho biết các yêu cầu mới của Nga có thể làm gián đoạn các cuộc đàm phán hạt nhân mặc dù tỷ lệ đàm phán thành công vẫn ở mức 70%.
Cũng hỗ trợ cho việc tăng giá dầu thô là việc các mỏ El Feel và Sharara của Libya đóng cửa, dẫn đến thâm hụt 300.000 thùng dầu/ngày, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia NOC cho biết hôm 6/3. Libya, một thành viên OPEC, đã sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2021.
Nguồn: Reuters