Việc nhiều nhà đầu tư tìm đến đồng USD đã đẩy giá trị của nhiều loại tiền khác trên thế giới xuống ngưỡng cao nhất trong nhiều năm, triển vọng kinh tế tại châu Âu cũng như nhiều nơi khác xấu đi trong bối cảnh giá năng lượng leo thang.
Theo Wall Street Journal, đồng euro hiện đang ở ngưỡng thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD sau khi giá khí đốt và giá điện tăng vọt khiến cho châu lục này khó khăn.
Các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ tin rằng kinh tế châu Âu sẽ đi xuống nghiêm trọng nếu Nga hoàn toàn ngưng nguồn cung khí đốt sang châu lục này trong khi khí đốt vô cùng cần thiết cho việc sưởi ấm, chiếu sáng và vận hành các nhà máy ở châu Âu. Ngoài ra, giá năng lượng cũng tăng cao còn bởi các cuộc đình công tại các mỏ dầu khu vực Tây Âu.
Đồng euro, đồng tiền chung của khu vực châu Âu, rớt giá khoảng 1,5% so với đồng USD và giao dịch ở mức 1,0265USD/euro, thấp nhất tính từ cuối tháng 12/2002, theo tính toán của FactSet.
Sự suy giảm của đồng euro cũng như sự mạnh lên của đồng USD đã khiến cho nhiều người dự báo về khả năng sẽ đến ngày đồng euro có giá trị tương đương đồng USD.
Đồng USD không ngừng tăng giá so với đồng franc Thụy Sỹ và đồng yên Nhật, hai loại tiền vốn thường thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi bối cảnh bất thường xảy ra. Đồng yên rơi xuống mức còn 136yên/USD, ngưỡng thấp nhất tính từ năm 1998.
Đồng USD tăng giá trên các thị trường quốc tế, chỉ số ICE Dollar, chỉ số đo lường diễn biến của đồng USD so với nhiều loại tiền tệ lớn khác, chạm mức cao nhất trong gần 2 thập kỷ, tính từ đầu năm 2022 đến nay, đồng USD đã tăng giá gần 11%. Diễn biến của chỉ số đồng USD, nếu duy trì đà tăng cho đến cuối năm nay, sẽ là mạnh nhất tính từ năm 2014, theo FactSet.
Một yếu tố quan trọng đẩy đồng USD tăng giá chính là một Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo quan điểm của thị trường là có quyết tâm cao hơn nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới trong việc nâng lãi suất cơ bản.
Các chuyên gia kinh tế đồng thời nói đến tình hình kinh tế Mỹ về dài hạn sẽ có triển vọng tốt hơn so với các nước khác và đồng thời có khả năng chống chọi tốt hơn khi tình hình việc làm tốt hơn và tiết kiệm người dân tăng cao hơn, chống chọi tốt với khả năng kinh tế đi xuống.
Hoạt đồng giao dịch ngoại hối vốn diễn ra thường ngày khá ổn định, giá trị nhiều loại tiền tăng cao hơn và giảm đi mỗi ngày. Tuy nhiên căng thẳng Nga – Ukraine, lạm phát và các ngân hàng trung ương siết chặt chính sách tiền tệ với tốc độ khác nhau đã gây ra tình trạng tăng giá chênh lệch của các đồng tiền.
Đồng USD mạnh lên sẽ gây ra ảnh hưởng lên nhà đầu tư Mỹ, lợi nhuận kiếm được của doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài sụt giảm. Đồng thời, các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ gặp khó trong việc vay bằng đồng USD. Diễn biến tỷ giá đồng tiền cũng không khỏi ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh bởi các chuyên gia quản lý không dễ dàng dự báo về chi phí và nhu cầu.
Đồng USD mạnh cũng gây sức ép lên giá hàng hóa, vốn chủ yếu được định giá bằng đồng USD. Hàng hóa trở nên có giá cao hơn và vì vậy nhu cầu sẽ đi xuống. Giá dầu, đồng và nhiều loại hàng hóa nông nghiệp khác đều giảm khi mà đồng USD tăng giá.
Những quan hệ truyền thống giữa tỷ giá các đồng tiền diễn ra nhiều năm qua giờ đây đã không còn bền vững nữa. Ngân hàng Trung ương Australia nâng lãi suất trong ngày thứ Ba thêm nửa điểm phần trăm, động thái này không khỏi thu hút thêm nhà đầu tư mua đồng nội tệ Australia, điều đó đã diễn ra trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, trên thực tế, đồng đôla Australia rơi xuống ngưỡng thấp nhất tính từ đầu đại dịch COVID-19.