Nhìn kết quả kinh doanh đoán thưởng tết
Chưa đầy một tháng nữa ngày lễ lớn nhất năm – Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sẽ đến, đây là thời điểm mà người lao động chờ đợi nhất trong năm bởi không chỉ có kỳ nghỉ dài ngày bên gia đình mà kỳ vọng có khoản thưởng tết tăng thêm thu nhập. Thưởng tết âm như một phần quà cho những nỗ lực, cố gắng của người lao động trong suốt một năm qua.
Trao đổi với NDH, Giám đốc Tài chính một công ty thép lớn trên thị trường cho hay năm nào công ty cũng có thưởng tết âm và năm 2019 này cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, mức thưởng năm nay sẽ không khác biệt so với các năm trước do diễn biến ngành thép năm qua khá tiêu cực, đặc biệt là quý cuối năm và dự kiến sẽ còn kéo dài sang quý I năm 2019.
Ngân hàng Vietcombank năm nay công bố lợi nhuận tăng 60% đạt hơn 18.000 tỷ đồng trước thuế, do đó cán bộ nhân viên ngân hàng này kỳ vọng mức thưởng sẽ cao hơn các năm trước. Năm ngoái, Vietcombank lãi trước thuế hơn 11.000 tỷ, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cho biết lương bình quân ở Vietcombank cao hơn 32 triệu đồng, có chi nhánh được thưởng 3-5 tháng lương thậm chí cao hơn nữa.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố về chính sách phúc lợi mới, lần đầu tiên được áp dụng. Ngân hàng bổ sung khoản thưởng mới tương đương 1 tháng lương bình quân (theo thời gian làm việc thực tế) khi thỏa mãn hai điều kiện là ngân hàng hoàn thành kế hoạch kinh doanh hàng năm và cán bộ nhân viên có đánh giá xếp loại (dự kiến xếp loại từ B trở lên). Khoản bổ sung trên được chi trả sau Tết Dương lịch và hoàn toàn độc lập với khoản thưởng hiệu suất theo kết quả kinh doanh và xếp loại cá nhân.
Lý do là lợi nhuận trước thuế năm 2018 của ngân hàng đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2019 dự kiến cũng là năm ngân hàng ra mắt hình ảnh nhận diện thương hiệu mới MSB chính thức thay đổi từ 14/1 mới đây và đề ra chiến lược kinh doanh tham vọng.
Ngoài khoản thưởng bổ sung trên, theo quy định hàng năm của MSB, ngân hàng này còn chi các khoản tạm ứng trước Tết Âm lịch và quyết toán thưởng hiệu suất sau Tết nhưng chưa công bố. Phía công đoàn MSB cũng thông báo sẽ trích quỹ công đoàn chi tặng quà Tết bằng hiện vật (giò chả, bánh chưng và các phần quà khác phù hợp văn hóa địa phương) với mức chi ngân sách tối đa 200.000 đồng/người.
Theo "Báo cáo Phúc lợi và Thưởng tết năm 2019 tại Việt Nam" do VietnamWorks phát hành, dựa trên khảo sát, thu thập ý kiến của gần 100 chuyên gia nhân sự và 3.400 người tìm việc, vấn đề thưởng tết được nhiều ứng viên (53% ứng viên) tìm kiếm thông tin nhưng chỉ có 37% nhà tuyển dụng sẵn sàng thể hiện những thông tin này trong bản mô tả công việc đăng tuyển của công ty mình.
Thống kê cũng cho thấy có hơn một nửa doanh nghiệp thưởng tết cho nhân viên hơn 1 tháng lương. Chính sách thưởng Tết được nhiều doanh nghiệp lựa chọn tiếp tục là thưởng theo tình hình kinh doanh của công ty, thưởng theo kết quả công việc và thưởng theo cấp số nhân của tháng lương.
Mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI
Đến nay, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại nhiều đại phương đã công bố khảo sát thưởng tết của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ví như Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết 300/352 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, chiếm 85,2% và mức thưởng cao nhất là 350 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp FDI; mức bình quân 5,9 triệu đồng/người và mức thấp nhất 50.000 đồng.
Tại Huế, theo số liệu báo cáo của 97/3.500 doanh nghiệp, thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cao nhất 115,6 triệu đồng và thấp nhất 385.000 đồng, đều thuộc về doanh nghiệp FDI. Thưởng Tết Nguyên đán ở các doanh nghiệp dân doanh cao nhất 99 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng/người; ở nhóm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức thưởng bình quân 7 triệu đồng/người và nhóm công ty có cổ phần Nhà nước góp vốn chi phối là hơn 5 triệu đồng/người…
Tại Hà Nội, mức thưởng Tết Âm lịch năm nay cao hơn năm trước với tỷ lệ bình quân khoảng từ 4% đến 6%. Mức thưởng trung bình cao nhất thuộc về khối các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 4,8 triệu đồng/người. Trong đó có một doanh nghiệp mức thưởng cao nhất là trên 396 triệu đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 750.000 đồng/người.
Khối doanh nghiệp dân doanh thưởng Tết Nguyên Đán đứng thứ 2 với mức bình quân 4,2 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất là 72 triệu đồng/người và thấp nhất 660.000 đồng/người.
Đứng thứ 3 là các công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước mức thưởng trung bình 4 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người và thấp nhất là 650.000 đồng/người.
Khối các Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức thưởng bình quân thấp nhất với mức 3,8 triệu đồng/người. Trong đó, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 40 triệu đồng/người và doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 800.000 đồng/người.
Tại Cần Thơ, mức thưởng của đa số doanh nghiệp lại thấp hơn năm trước. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, bình quân mức thưởng là 2,5-8 triệu đồng; giảm khoảng 15% so với Tết Nguyên đán 2018. Mức thưởng cao nhất là 230 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp dân doanh ngoài khu công nghiệp; cũng thấp hơn gần 50% so với Tết năm trước. Mức thưởng thấp nhất là 200.000 đồng, tương đương Tết năm 2018, thuộc loại hình doanh nghiệp dân doanh nằm trong khu công nghiệp.