Tham gia Tọa đàm có ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch HH BĐS Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Tổng giám đốc Eurowindow kiêm Chủ tịch CLB Sao Đỏ - ông Nguyễn Cảnh Hồng, ông Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam và Chủ tịch Tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyến.
Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, ông Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá Covid-19 tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội Việt Nam và bất động sản cũng không nằm ngoài làn sóng này. Việc dịch bệnh bước đầu được kiểm soát là tiền đề tốt cho phục hồi kinh tế, song cũng là bất lợi khi các doanh nghiệp phần nào bị "tổn thương". Một số phân khúc trong Covid-19 vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt, sức bán nhanh.
Hiện nay, việc vực dậy thị trường bất động sản là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp mà còn của các hạt nhân khác như khách hàng, đơn vị trung gian. Ông Đặng Hồng Anh hi vọng những ý kiến đóng góp trong sự kiện ngày hôm nay sẽ đem đến cái nhìn toàn diện hơn, đặc biệt đưa ra nhiều giải pháp không cần "đao to búa lơn" tháo gỡ khó khăn cho thị thị trường bất động sản trong nước.
Đồng quan điểm, Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho biết, từ góc nhìn của một nhà tư vấn, kiểm toán, thị trường bất động sản là cánh chim báo bão của một nền kinh tế, ảnh hưởng đến nhiều ngành và nhiều lao động.
"Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, sau dịch bệnh sẽ là một làn sóng chuyển dịch mới, điều này đặt ra câu hỏi là liệu ngành bất động sản Việt Nam có đủ thay đổi để đón làn sóng này hay không, nhất là bất động sản công nghiệp và văn phòng, bà Thanh khẳng định.
bà Thanh cũng cho biết nhìn lại chặng đường 10 năm là sự phát triển nỗ lực từ mặt luật pháp với Luật đất đai năm 2013, sau đó Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư 2014, một loạt tiếp sau đã vênh với luật năm 2013, vừa là lực đỡ nhưng cũng là lực cản cho bất động sản.mLuật quy hoạch, luật quản lý tài sản công năm 2017 đã tương tác và hỗ trợ cho Luật kinh doanh Bất đống sản, tuy nhiên sự lệch pha đã gây nên lực cản nhất định.
Ngoài ra vấn đề tài chính với Nghị định 20 lại là sự bất cập với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tăng áp lực lớn với các mô hình kinh doanh. Với thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, cơ chế siết chặt tín dụng với bất động sản trong xu thế ảnh hưởng Covid-19 và phải đón đầu bất động sản về công nghiệp, và văn phòng. Thông tư đã thiết chặt nguồn vốn chính của nhiều doanh nghiệp.
"Có thể thấy rằng, khung pháp lý đang được hoàn thiện nhưng vẫn đi sau hơi thở, dòng chảy, xu thế của thị trường bất động sản. ", bà Hà Thu Thanh nói. Về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản đón đầu xu thế mới, ở góc nhìn nhà tư vấn, theo bà Thanh, hệ thống lập pháp hiện tại ở mức cơ bản tốt nhưng cần nhiều thay đổi kịp thời.
Cũng theo bà Thanh, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đã bàn nhiều vấn đề thăng trầm, được mất trong 10 năm qua. Song những hành động để vượt qua khó khăn, khủng hoảng thì rất khó để trả lời. Từ góc độ của một tư vấn pháp luật, bà nhận thấy đã đủ một chu kỳ 10 năm để thị trường có sự thay đổi.
"Covid-19 khiến chúng ta nghĩ nhiều đến việc thay đổi, phục hồi nhưng còn có quá nhiều vướng mắc pháp lý trong dự án từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thiết kế... Khi tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn có rất nhiều điều luật về luật bất động sản, luật nhà ở... bị vênh. Đây là rào cản với các doanh nghiệp địa ốc", bà Thanh nói.
Trước những yêu cầu mới thì khung pháp lý của Việt Nam chưa đủ. Bà Thanh cho rằng: "Trong giai đoạn này, thị trường nên chạy chậm lại một chút xíu và giành thời gian để tăng cường cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn, phát hành trái phiếu".