Năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng Thụy Sỹ và Việt Nam kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao và 30 năm hợp tác cùng phát triển, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Thụy Sỹ Ivo Sieber, nhìn lại hợp tác song phương giữa Việt Nam và Thụy Sỹ thời gian qua, kỳ vọng về tương lai hợp tác giữa 2 nước. Cũng như cảm nhận của cá nhân Ngài đại sứ về Việt Nam và công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng: Thụy Sỹ và Việt Nam kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao và 30 năm hợp tác cùng phát triển. Nhìn lại quá trình phát triển về quan hệ ngoại giao và kinh tế, theo ông, đâu là những dấu mốc quan trọng nhất?
Mốc thời gian ngày 11/10/1971 là một thời điểm quan trọng khi Thụy Sỹ là nước thứ hai tại châu Âu (sau Thụy Điển) chính thức công nhận nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thụy Sỹ mở cơ quan đai diện đầu tiên ở Hà Nội tại khách sạn Metropole năm 1973.
Năm 1976, Đại sứ quán Thụy Sỹ chuyển sang địa điểm mới. Sự hợp tác ban đầu chủ yếu trong lĩnh vực nhân đạo. Từ đầu thập niên 1990 đến nay, một chương trình quan trọng về hợp tác phát triển đã được khởi xướng và kéo dài cho đến tận bây giờ. Cho đến năm 2016, Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) đã có những đóng góp quan trọng vào chương trình giảm nghèo tại Việt Nam.
Từ năm 2016 đến nay, sự hợp tác chuyển hướng sang hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế khi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mới nổi. Chương trình hiện tại đang được quản lý bởi Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) thuộc Bộ Kinh tế Thụy Sỹ. Trong vòng 30 năm qua, chính phủ Thụy Sỹ đã hỗ trợ hơn 600 triệu USD cho Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác lâu dài và tin cậy của chúng ta luôn là điểm sáng trong quan hệ song phương của hai nước.
“Từ khi bắt đầu chuyển mình, mở cửa nền kinh tế vào những năm 80, Việt Nam đã có rất nhiều thành công ấn tượng trong giảm nghèo và cải cách kinh tế”.
Từ khi Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới nền kinh tế, nhóm các doanh nghiệp tư nhân của Thụy Sỹ tham gia đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam và vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển ở đây.
Năm 2015, Văn phòng Tổng Lãnh sự quán Thụy Sỹ được khai trương tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay nhiều đoàn cấp cao của Thụy Sỹ đã đến thăm Việt Nam, trong đó phải kể đến chuyến thăm chính thức của ngài Guy Parmelin, Bộ trưởng Kinh tế (hiện đảm nhiệm vai trò Tổng thống Thụy Sỹ năm 2021). Ngoài ra còn có nhiều hoạt động hợp tác song phương giữa các trường Đại học và giới khoa học.
Từ mùa thu năm ngoái, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) và Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sỹ (SNSF) cùng tài trợ cho các nhà nghiên cứu của hai quốc gia. Ngoài ra, Thụy Sỹ và Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hợp tác đa phương trong Liên Hợp Quốc và ở các lĩnh vực khác. Các hoạt động hợp tác cho thấy sự năng động, đa dạng và gắn bó trong quan hệ hai bên.
FTA giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) bao gồm bốn nước Iceland, Na Uy, Thụy Sỹ và Công quốc Liechtenstein đã trải qua nhiều vòng đàm phán. Theo ông, khi nào hiệp định này sẽ có thể được ký kết và điều này sẽ dọn đường cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa Thụy Sỹ và Việt Nam như thế nào?
Các cuộc đàm phán hướng đến Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và 4 nước thuộc EFTA diễn ra từ năm 2012, và đã có nhiều bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Hiện tại khó dự đoán được các mốc thời gian cụ thể và kết quả của các cuộc đàm phán này. Cùng với các đối tác khác thuộc EFTA, Thụy Sỹ tin rằng các vấn đề còn tồn tại có thể sớm được giải quyết và một hiệp định FTA mang đến lợi ích chung cho các bên sẽ có thể được thống nhất. Phía Thụy Sỹ cũng sẽ rất vui mừng nếu đàm phán có thể được hoàn tất trong năm nay, vào thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.
Với tổng GDP các nước ước đạt gần 1 nghìn tỷ USD và khối lượng giao dịch thương mại tương đương con số trên, các nước thuộc EFTA thực sự quan tâm đến thỏa thuận thương mại này. Tôi tin rằng Hiệp định thương mại EFTA-Việt Nam sẽ không chỉ làm gia tăng dòng chảy thương mại mà còn giúp tăng đầu tư chất lượng cao từ Thụy Sỹ vào Việt Nam, hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và nâng cao công nghệ.
Doanh nghiệp Thuỵ Sỹ đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam? Những lĩnh vực nào của Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư Thụy Sỹ, thưa ông?
Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Việc Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh “Doing Business” của Ngân hàng Thế giới là minh chứng cho những nỗ lực này. Chi phí lao động cạnh tranh, thị trường nội địa quy mô lớn và các hiệp định thương mại song phương mà Việt Nam ký kết đều thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Thụy Sỹ. Trên thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp Thụy Sỹ đang làm ăn kinh doanh tại đây.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Thụy Sỹ bày tỏ lo ngại về thủ tục hành chính chậm trễ, tình trạng tham nhũng, thực thi luật pháp không đầy đủ, cơ chế giải quyết tranh chấp… Những điều này làm hạn chế tiềm năng đổi mới. Nhiều công ty Thụy Sỹ hiện đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm công nghệ cao với chất lượng nghiên cứu cao. Với những công ty này, họ cần được đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, cùng với khung pháp lý có thể đoán định, sân chơi bình đẳng và không phân biệt đối xử.
Đầu tư trực tiếp của Thụy Sỹ vào Việt Nam hiện tại ước tính khoảng hơn 2 tỷ USD. Thụy Sỹ đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu vào Việt Nam và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Ví dụ, tại Mỹ, Thụy Sỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7. Hiện tại đang có hơn 100 công ty Thụy Sỹ hoạt động tại Việt Nam, tạo ra khoảng 20.000 việc làm ở nhiều lĩnh vực như dược phẩm, máy móc, chế biến thực phẩm,công nghệ thông tin, vận tải, kiến trúc...
Hiện tại doanh nghiệp Thụy Sỹ có lợi thế cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bao gồm cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Các lĩnh vực này có tiềm năng đóng góp nhiều hơn vào quá trình hiện đại hóa và phát triển của Việt Nam. Ngoài ra có thể kể đến những lĩnh vực khác như tài chính, bảo hiểm, kinh tế số, vận tải, năng lượng và năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, phát triển hạ tầng xã hội và thương mại, dịch vụ kỹ thuật.
Ông từng làm Đại sứ tại Thái Lan, Campuchia và Lào, vậy cảm xúc của ông như thế nào khi ông làm việc tại Việt Nam – một nước Đông Nam Á khác?
Sau hơn 14 năm làm Đại sứ Thụy Sỹ tại nhiều nước ASEAN, sự đa dạng về lịch sử, văn hóa, xã hội và chính trị đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng. Tôi đến Đông Nam Á lần đầu tiên vào năm 1977 khi còn là sinh viên.
Ở thời điểm đó, Việt Nam mới thống nhất đất nước được 2 năm và chiến tranh lạnh khiến khu vực này vẫn còn là điểm nóng địa chính trị của các cường quốc. Trong chuyến đi đầu tiên, tôi đã đến Singapore, Malaysia và Thái Lan. Từ đó đến nay, tôi đã đến tất cả các nước ASEAN, thậm chí nhiều nước tôi đã đến nhiều lần.
Nhìn lại bốn thập kỷ qua và chứng kiến sự chuyển mình về kinh tế, xã hội, chính trị của khu vực này, tôi không khỏi cảm thấy lạc quan. Từ khi bắt đầu chuyển mình, mở cửa nền kinh tế vào những năm 80, Việt Nam đã có rất nhiều thành công ấn tượng trong giảm nghèo và cải cách kinh tế.
Ông Guy Parmelin, Bộ trưởng Kinh tế (hiện đảm nhiệm vai trò Tổng thống Thụy Sỹ năm 2021) thăm Nhà máy Nestlé Việt Nam (ảnh chụp năm 2019 – Báo Tin tức)
Có thể thấy rõ sự đổi mới và năng động của Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa cũng như sự phát triển đô thị quá nhanh cũng phải trả giá. Đó là sự xuống cấp của môi trường và những thách thức khác cần có sự thay đổi về đường lối.
Tôi hy vọng Việt Nam có thể mời được các nhà nghiên cứu trẻ từ khắp thế giới đến gặp gỡ với các đối tác, cùng đóng góp ý tưởng và đề xuất để làm sao hiện thực hóa được những tham vọng về phát triển kinh tế cũng như đảm bảo môi trường lành mạnh cho xã hội Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về công tác kiểm soát đại dịch Covid-19 ở Việt Nam?
Nhờ đối phó kịp thời và nhanh chóng đóng cửa đất nước và người dân Việt Nam có ý thức kỷ luật cao, chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn thành công sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nhìn từ góc độ y tế, Việt Nam đã có nhiều thành công. Nhìn từ góc độ kinh tế, tất nhiên, Việt Nam đã phải trả giá, đặc biệt nhóm nền kinh tế không chính thức và nhiều ngành nghề khác, nặng nề nhất phải kể đến du lịch.
Dù rằng thật khó để dự báo tác động của đại dịch lên nền kinh tế Việt Nam và thế giới, đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy tính dễ tổn thương của xã hội, nền kinh tế và môi trường nơi chúng ta đang sống. Thế giới hậu đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ không thể nào giống như trước nữa. Chúng ta cần nắm lấy cơ hội này để nhìn lại cách chúng ta tiêu dùng, sản xuất và tìm ra nhiều giải pháp mới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!